Thuế tối thiểu toàn cầu 15% có đang thách thức lợi thế hút đầu tư của VN?

THUẾ FDI
15:43 - 14/06/2022
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh: Trọng Hiếu
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh: Trọng Hiếu
0:00 / 0:00
0:00
Thuế suất ưu đãi là một trong những lợi thế để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua. Tuy nhiên, việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu đang đặt ra lo ngại Việt Nam có thể đánh mất lợi thế thu hút đầu tư từ trước đến nay của mình. 

Đây là vấn đề được thảo luận trong hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 14/6.

Cần có các ưu đãi khác ngoài thuế

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới. Đầu tư vào Việt Nam khác rất nhiều với đầu tư vào các thiên đường thuế, vì trong hơn 386.000 dự án vào Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt và bất động sản.

Hiện tại Việt Nam, tổng số thu thuế suất ưu đãi là 12,3%. Trong tổng số hơn 386.000 dự án, chúng ta chỉ tập trung ưu đãi thuế cho 3% số dự án đang hoạt động. Trong đó, một số tập đoàn lớn thuế suất ưu đãi chỉ 2,75% đến 5,95%. Đó là ưu đãi của Việt Nam để thu hút dự án lớn, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Theo ông Minh, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài giảm hấp dẫn, ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại… Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại một số thuận lợi như giúp tăng thuế, tăng thu trong nước khi hiện nay Việt Nam đã có 21 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài và cũng có doanh nghiệp Việt Nam đi đầu tư tại thiên đường thuế.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Để tận dụng các lợi ích mang lại đồng thời vẫn đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh, tiếp tục thu hút các dự án lớn, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng cần có các ưu đãi khác thay vì ưu đãi thuế như trước đây, nhưng không vi phạm các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Về thời gian áp dụng, Việt Nam và các nước đang phát triển - cùng chung hoàn cảnh có thể yêu cầu một điều khoản chuyển tiếp, giãn khoảng thời gian quy tắc có hiệu lực thêm 2-3 năm để thiết kế chính sách phù hợp cho các dự án trọng điểm, một số nước đầu tư quan trọng trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc...

Bên cạnh đó, ông Minh cũng đề xuất trong thời gian này cần bàn tới sửa thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp FDI, làm sao để phù hợp với các hiệp định hiện hành và có tính bền vững.

Thoả thuận "Thuế tối thiểu toàn cầu" nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). BEPS là hiệp định đa phương nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến các vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất. Trụ cột thứ 2 của BEPS là "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên.

Cần thành lập tổ công tác đặc nhiệm

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE), việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp FDI, song đồng thời đặt Việt Nam trước những thách thức mới về thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị khi công cụ ưu đãi thuế không còn được áp dụng.

Nhấn mạnh việc Việt Nam tham gia cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ, Chủ tịch VAFIE đề xuất 4 kiến nghị:

Chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội để đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, tạo động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Đối chiếu quy định quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu với chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước đang phát triển áp dụng thuế tối thiểu để cân nhắc có nên áp dụng vào nước ta hay chỉ điều chỉnh luật pháp liên quan đến FDI.

Đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp những nước chọn đơn phương giải quyết mà không đàm phán với doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến việc tranh chấp bằng trọng tài với các công ty, gây tốn kém, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Đàm phán với một số nước có doanh nghiệp FDI chịu tác động cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu về các nội dung dung hạn chế của Hiệp định đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng để phù hợp với luật pháp đã được điều chỉnh.

Với 4 nội dung trên, GS Nguyễn Mại kiến nghị Chính phủ thành lập “Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu” có nhiệm vụ nghiên cứu toàn diện quy định của các tổ chức quốc tế, các quốc gia có doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chịu tác động của cơ chế này, kinh nghiệm của một số nước đang phát triển, lời khuyên của các chuyên gia quốc tế; thu thập thông tin về sản xuất, kinh doanh của TNCs (các công ty xuyên quốc gia) đang hoạt động tại Việt Nam để tính toán lợi ích và thiệt hại khi áp dụng cơ chế này…

Từ đó có căn cứ để đưa ra quyết định phù hợp, đề ra giải pháp đồng bộ khi Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn cầu.

Tổ công tác không chỉ bao gồm lãnh đạo và chuyên viên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan trung ương, mà cần có các chuyên gia có kinh nghiệm về luật pháp và thuế quốc tế, đầu tư nước ngoài, công ty tư vấn thuế có uy tín, để tư vấn cho Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp. GS Nguyễn Mại

Việt Nam liệu có mất lợi thế thu hút đầu tư?

Đồng quan điểm với Chủ tịch VAFIE, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, Chính phủ cần có những động thái gấp gáp hơn để tiếp cận với thuế suất tối thiểu toàn cầu, cụ thể cần có tổ công tác để phản ứng nhanh. Bởi theo ông Tuấn, theo Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, có 2 thay đổi lớn về nguyên tắc đánh thuế, một là đánh thuế không chỉ tại nơi công ty có hiện diện vật lý, hai là đánh thuế với cả thu nhập công ty từ nước ngoài. Nhưng thời điểm thực thi rất gấp, cụ thể thời gian bắt đầu thực hiện quy tắc là 31/12/2023.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc thành lập Tổ công tác đặc biệt liên ngành, bao gồm đại diện các bộ ngành liên quan cùng đối tượng được điều chỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Tuấn nhận định, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có lợi cho các nước xuất khẩu vốn hơn là nước nhập khẩu vốn như Việt Nam. Hiện nhiều dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư đang được hưởng thuế suất 10%, miễn 4 năm, giảm 50% cho 9 năm (đều thấp hơn 15%) - chủ yếu là nhà đầu tư lớn. Thực tế, theo khảo sát năm 2016 của VCCI với 2.000 doanh nghiệp có vốn FDI, các doanh nghiệp cho biết họ chọn đầu tư vào Việt Nam do nhiều yếu tố. Trong đó, ổn định chính trị, mức thuế thấp là thế mạnh của Việt Nam. Bên cạnh đó là lợi thế giảm chi phí (nguồn lao động dồi dào nhưng chi phí thấp).

Vậy với Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam liệu có mất lợi thế thu hút đầu tư? Trước băn khoăn này, ông Tuấn cho rằng, nếu chỉ tính lợi thế về thuế thì rõ ràng khi thực hiện luật thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên về tổng thể thì để thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ là thuế. Việt Nam cần cải thiện chi phí và chất lượng nhân lực; giá thuê đất, mặt bằng kinh doanh; chất lượng hạ tầng (năng lượng, khu công nghiệp); chi phí và chất lượng logistics…

Cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng; góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… Tuy nhiên sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi.

Trước vấn đề đó, TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp. Cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách pháp luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của BEPS để ban hành sớm nhất, trước khi BEPS có hiệu lực…

Đồng thời, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh; thay vì hướng tới ưu đãi về thuế. Các Bộ, ngành địa phương nâng cao năng lực về chống trốn thuế, quản lý thuế.

Bà Annett Perschmann-Taubert, Tax Partner PWC:

Để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời không bị thất thu thuế, Chính phủ cần xem xét thay đổi các quy định về thuế trong nước và thiết kế các chính sách khuyến khích đầu tư mới có cân nhắc đến mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Thay vì cung cấp các ưu đãi về thuế, các chính sách hỗ trợ có thể được thiết kế để áp dụng trực tiếp cho các mục tiêu của đầu tư, chẳng hạn như hỗ trợ đầu tư vào một số thiết bị, tài sản, nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào con người… Những hỗ trợ này sau đó sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho việc đầu tư cho dù công ty đang ở trong tình trạng lãi hay lỗ.

Bà Annett Perschmann-Taubert.

Bà Annett Perschmann-Taubert.

Ông Kim Yong Seok - Giám đốc đối ngoại Tổ hợp Samsung Việt Nam: Samsung chọn đầu tư tại Việt Nam bởi những yếu tố như con người, địa lý, chính trị ổn định và cả chính sách ưu đãi đầu tư. Hiện tại, tổng số vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là hơn 18 tỷ USD. Tuy nhiên về chính sách ưu đãi đầu tư, tôi nhận thấy vẫn còn có bất cập.

Đó là Việt Nam đang quá tập trung vào chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế. Và khi quốc tế áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, những chính sách này sẽ không còn hiệu quả nữa. Các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy trước Luật thuế tối thiểu toàn cầu, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể nghiên cứu, đưa ra biện pháp kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tòa nhà FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong

FLC tiếp tục bị cưỡng chế thuế

CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) ngày 23/2 công bố các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.