Đề nghị tỉnh Tiền Giang tự thống nhất mức thu phí Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Công văn của Bộ Giao thông Vận tải trích dẫn Nghị định số 149/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm định giá.
Cụ thể, UBND tỉnh quy định giá tối đa đối với: Dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, do địa phương quản lý; dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thẩm quyền UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Căn cứ Luật Giá, trong phạm vi thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các Thông tư số 35/2016 và số 28/2021 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 28/2021: "Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án áp dụng cho từng loại phương tiện được cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc khi thực hiện thu không vượt mức giá tối đa đối với nhóm phương tiện quy định tại Điều 6 của Thông tư này".
Do vậy, về nguyên tắc, giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án được các bên xác định và thống nhất tại hợp đồng dự án; việc xác định mức giá phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Tại thời điểm thực hiện thu, giá dịch vụ sử dụng đường bộ không vượt quá mức giá tối đa được cơ quan có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật Giá.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền, nên việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, ngày 26/7/2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cho ý kiến đối với phương án giá dịch vụ để địa phương có cơ sở cho thu giá án giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 từ ngày 1/8/2022.
Cụ thể, giá vé đối với ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng (nhóm 1) là 2.000 đồng/xe/km (giảm 100 đồng/xe/km so với mức giá đề xuất trước đó, tương đương giảm 4,76%). Như vậy, xe nhóm 1 đi toàn tuyến có mức giá khoảng 103.000 đồng.
Ô tô từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn (nhóm 2) giữ nguyên như mức giá đề xuất trước đó là 3.000 đồng/xe/km, tương đương giá vé cho xe đi toàn tuyến là khoảng 154.000 đồng.
Giá vé cho xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn (nhóm 3) giảm xuống còn 3.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 3.700 (tương đương giảm 20,45%). Như vậy, xe nhóm 3 đi toàn tuyến có mức giá khoảng 180.000 đồng.
Giá vé cho xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet (nhóm 4) là 4.500 đồng/xe/km, giảm 1.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó (tương đương giảm 43,75%). Như vậy, xe nhóm 4 đi toàn tuyến có mức giá là khoảng gần 232.000 đồng/xe.
Giá vé cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet (nhóm 5) được điều chỉnh giảm xuống còn 6.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 8.400 đồng/xe/km (tương đương giảm 45,83%). Xe nhóm 5 có mức giá mới khi đi toàn tuyến là gần 335.000 đồng.
Cùng ngày 1/8, Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã có văn bản chấp thuận về công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Hiện UBND tỉnh Tiền Giang đã nhận được văn bản của Hội đồng nghiệm thu và họp với các sở, ngành rà soát lại toàn bộ nội dung văn bản nghiệm thu, thống nhất phương án thu phí.
Hiện tại, lưu lượng xe trung bình chạy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 26.288 xe/ngày đêm. Trong đó, xe nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) chiếm 55%; xe nhóm 5 chiếm tỉ trọng nhỏ nhất với khoảng 6% (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, khai thác từ cuối tháng 4 vừa qua sau 13 năm triển khai. Tuyến cao tốc được đầu tư và quản lý vận hành bởi Công ty BP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận.
Mặc dù tuyến cao tốc này được thông xe chính thức từ ngày 30/4/2022 nhưng đến trước nay, UBND tỉnh Tiền Giang trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa chốt mức giá sử dụng đường bộ; thời điểm triển khai thu phí gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.