Triều Tiên thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa. Ảnh: KCNA |
Theo KCNA, các nhà khoa học quân sự nước này đã thành công trong thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của động cơ nhiên liệu rắn lần lượt vào ngày 11/11 và 14/11. Mục tiêu của thử nghiệm này nhằm “đánh giá các thông số kỹ thuật của động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy cao mới được phát triển cho IRBM”.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên nhận định các cuộc thử nghiệm là “một quá trình thiết yếu nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tấn công chiến lược của các lực lượng vũ trang, trong bối cảnh môi trường an ninh không ổn định mà đất nước đang phải đối mặt cũng như tình hình quân sự trong tương lai ở khu vực”.
Triều Tiên hồi đầu năm nay đã tiết lộ tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn đầu tiên, Hwasong-18, có khả năng vươn sâu vào lục địa Mỹ. Ngoài tên lửa này, các tên lửa tầm trung hiện có của Triều Tiên, trong đó bao gồm cả Hwasong-12, đều đang được trang bị động cơ nhiên liệu lỏng.
Loại động cơ dùng nhiên liệu lỏng này cần được cung cấp nhiên liệu trước khi phóng và không thể duy trì nhiên liệu trong thời gian dài. Tuy nhiên, tên lửa được tích hợp nhiên liệu rắn có thể sẵn sàng phóng trong khoảng thời gian nhanh hơn, dễ di chuyển và che giấu hơn, do đó về mặt lý thuyết khiến đối thủ khó phát hiện và ngăn chặn việc phóng.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tăng cường các vụ thử tên lửa cũng như các cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng. Đáp trả lại các động thái trên, Hàn Quốc đã mở rộng các cuộc tập trận quân sự kết hợp với Mỹ và tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Nhật Bản.
Trong cuộc đàm phán an ninh thường niên vào tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cũng đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với mục đích chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên một cách hiệu quả hơn.
Ở một diễn biến khác, KCNA trong cùng ngày 15/11 cũng đưa tin Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Nga Alexander Kozlov đang thăm Triều Tiên - một dấu hiệu cho thấy quan hệ ngoại giao giữa hai nước đang mở rộng. Thông báo cho biết hai bên đã tham gia đàm phán về nhiều chủ đề bao gồm trao đổi thương mại, khoa học và công nghệ, nhưng không nêu chi tiết hơn.
Mục tiêu của thử nghiệm nhằm gia tăng khả năng phòng thủ của quốc gia. Ảnh: KCNA |