Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình trước Quốc hội. |
Chiều 25/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Theo Nghị quyết trên, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong đó cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, việc triển khai Nghị quyết 135, đặc biệt là gói thanh khoản 12.000 tỷ đồng (vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng) đã giúp vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines trên báo cáo tài chính năm 2021 không bị âm, qua đó cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết bắt buộc và vẫn duy trì khả năng thanh khoản.
Theo Phó Thủ tướng, từ giữa năm 2021, Vietnam Airline bắt đầu xây dựng đề án tổng thể, bao gồm các nhóm giải pháp tự thân và các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trọng tâm là giải pháp phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ; thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên (giai đoạn 2024-2027). Nếu thực hiện thành công các giải pháp này, công ty sẽ có lợi nhuận từ năm 2024, hết âm vốn chủ sở hữu vào năm 2025, trả hết nợ vay tái cấp vốn vào năm 2027, xóa hết lỗ lũy kế vào năm 2032.
Tuy nhiên, do các giải pháp cơ cấu lại khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu tăng vốn của HVN có nhiều nội dung cần xin ý kiến và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có căn cứ để thực hiện nên kéo dài chưa thể hoàn thành, trong khi công ty vẫn đang khó khăn nghiêm trọng về tài chính.
Do đó, Vietnam Airlines xin cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn thêm 3 lần (tối đa đến 31/12/2027) để đảm bảo duy trì khả năng thanh toán trong ngắn hạn và triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu theo lộ trình. Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP đồng ý báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội.
Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines từ cuối năm 2023 đến nay đã cải thiện nhiều. |
Trên cơ sở các nội dung báo cáo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
CẦN PHÂN TÍCH RÕ HƠN KHẢ NĂNG TRẢ NỢ CỦA VIETNAM AIRLINES
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Ủy ban Kinh tế thấy rằng tình thế đối với Vietnam Airlines hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.
Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành hàng không, như giảm thuế đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa... Do đó cần bổ sung đánh giá về kết quả của những giải pháp này đối với tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng; những vấn đề còn phải tiếp tục tháo gỡ của ngành hàng không (gồm cả những doanh nghiệp hàng không khác) để có giải pháp tổng thể, phù hợp.
Có ý kiến đề nghị làm rõ thêm về nhận định tại tờ trình của Chính phủ khi cho rằng đây là giải pháp có tính khả thi và phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Ngoài giải pháp nêu tại tờ trình, còn có giải pháp nào khác có thể triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines?
Có ý kiến cho rằng việc quan tâm đến quyền lợi của người lao động theo Nghị quyết số 135 chưa được phân tích cụ thể, chi tiết, toàn diện trong tờ trình cũng như phụ lục kèm theo. Chính phủ cần có đánh giá cụ thể việc thực hiện giải pháp này, đồng thời rút ra bài học để có thể thực hiện tốt hơn việc bảo đảm việc làm, đời sống người lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Về phương án đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines; bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính của hãng hàng không quốc gia.