Ảnh minh họa: VGP |
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết, sản xuất gạo của Philippines hàng năm không đáp ứng tiêu thụ trong nước do tác động bởi thời tiết và canh tác. Năm 2022, theo Bộ Nông nghiệp Philippines, nước này sản xuất được 19,75 triệu tấn thóc, tương đương 12,74 triệu tấn gạo. Năm 2023 lần đầu tiên Philippines cán mốc sản xuất 20,06 triệu tấn lúa, tương đương 13 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo tại Philippines hàng năm là 14,5 - 15 triệu tấn gạo. Ngoài ra, hàng năm quốc gia này còn cần dự trữ tối thiểu lương thực trong 30 ngày, tương ứng khoảng 1,2 triệu tấn gạo. Như vậy, tổng nhu cầu gạo hàng năm của Philippines vào khoảng 15,5 – 17 triệu tấn gạo.
“Sản xuất gạo trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên mỗi năm quốc gia này phải nhập khẩu từ 3 – 4 triệu tấn gạo, trong đó nguồn cung chủ yếu từ Việt Nam, ngoài ra còn có Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ… Đơn cử như năm 2022, tiêu thụ trong nước của Philippines là 15,8 triệu tấn gạo, trong đó lượng nhập khẩu là 3,82 triệu tấn, đây cũng là lượng nhập khẩu cao nhất lịch sử của nước này. Năm 2023, Philippines tiếp tục tiêu thụ xấp xỉ 16 triệu tấn, trong đó lượng gạo nhập khẩu là 3,56 triệu tấn, mặc dù giảm 6,8% so với năm 2022 nhưng lượng gạo nhập khẩu vẫn khá lớn”, ông Thành cho biết.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Philippines, theo ông Thành, nếu như trước đây gạo Việt luôn cạnh tranh với gạo Thái Lan thì từ khi Philippines ban hành luật tự do thương mại gạo vào năm 2019, Việt Nam đã vượt Thái Lan và vươn lên là thị trường xuất khẩu gạo lớn vào quốc gia Đông Nam Á này.
Năm 2022, Philippines nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm gần 85% lượng nhập khẩu của thị trường này. Năm 2023, tiếp tục nhập khẩu 3,1 triệu tấn gạo (chiếm 87%) từ Việt Nam với 1,75 tỷ USD, dù lượng giảm nhưng do giá gạo cao nên trị giá vẫn tăng.
Việt Nam được đánh giá là đối tác xuất khẩu gạo vô cùng quan trọng của Philippines. |
Ông Thành chia sẻ, năm 2023, thông tin từ các doanh nghiệp trong nước, có những thời điểm gạo Việt xuất khẩu sang Philippines lên mức 650 USD/tấn.
“Đối với Philippines, Việt Nam là đối tác xuất khẩu gạo vô cùng quan trọng. Bởi gạo Việt không chỉ là nguồn cung lương thực cho người dân trong nước mà còn đảm bảo cho an ninh lương thực của quốc gia này. Ngược lại, Philippines là thị trường chiếm phần lớn số lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ông Thành nhận định.
Ông Thành cho biết, gạo Việt Nam hiện có lợi thế khi doanh nghiệp đã tạo được quan hệ bạn hàng lâu năm với Philippines, tạo được uy tín tại thị trường. Đơn cử như năm 2023, nhằm đảm bảo uy tín thông qua việc thực hiện các hợp đồng, dù giá gạo tăng, một số doanh nghiệp không đạt được lợi nhuận nhưng doanh nghiệp vẫn đáp ứng đủ đơn hàng, từ đó củng cố uy tín cho gạo Việt.
Bên cạnh đó, gạo Việt cũng có phẩm cấp vừa phải, phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng Philippines và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, từ số lượng lớn dân số thu nhập thấp, trung bình đến tầng lớp giàu có. Hiện Philippines có trên 50 triệu dân nghèo hoặc mức thu nhập trung bình, do đó họ vẫn có nhu cầu về chất lượng gạo vừa phải.
Liên quan đến vấn đề thương hiệu, theo ông Thành, mặc dù người Philippines tiêu dùng gạo Việt nhưng chưa thực sự đánh giá cao. Do đó, cần tạo dựng, phát triển thương hiệu gạo tại thị trường này, điều này không chỉ có tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn cho ngành gạo Việt Nam nói chung.
Đánh giá về tình hình năm 2024, dự kiến Philippines sẽ nhập khẩu từ 3,6 – 3,9 triệu tấn gạo, thậm chí lên 4 triệu tấn. Giữa tháng 2/2024, Philippines đã nhập khẩu tổng cộng 570.00 tấn gạo, trong đó từ Việt Nam là 327.000 tấn. “Mặc dù lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng Việt Nam vẫn còn dư địa để xuất khẩu sang Philippines, ít nhất đạt lượng gạo như năm 2022, 2023, hướng tới mở rộng số lượng và kim ngạch trong năm 20224”, ông Thành nói.
Trên cơ sở hướng đến lượng xuất khẩu và đạt mục tiêu trên, thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá gạo, đặc biệt là cần xây dựng câu chuyện thương hiệu.
Thứ hai, cần giữ vững ổn định chất lượng gạo, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Thứ ba, cần đa dạng mặt hàng xuất khẩu, không chỉ tập trung gạo có chất lượng cho người có thu nhập cao. Thứ tư, luôn tìm kiếm đối tác, duy trì sự uy tín, làm sao để thị trường này luôn bình ổn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 27 thị trường với tổng lượng 512.265 tấn, đạt trị giá 362,2 triệu USD. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 280.944 tấn, tương ứng đạt 194,2 triệu USD, tăng lần lượt 118% và 202% so với cùng kỳ năm trước.