VN-Index lại 'cắm đầu', QCG phi mã bất chấp thị trường biến động

QCG LPB
16:07 - 17/04/2024
Nhiều cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính bị bán mạnh.
Nhiều cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính bị bán mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index vẫn chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh ngắn hạn và hôm nay đã chính thức mất mốc 1.200 điểm. Các nhóm trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều giảm sâu.

Thị trường mở cửa phiên 17/4 trong sắc xanh, tuy nhiên sau đó lực cầu yếu dần. Đến phiên chiều, bên bán “ra hàng” mạnh mẽ hơn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi lượng hàng bắt đáy phiên đầu tuần giảm hơn 50 điểm đã đủ thời gian bán ra.

Kết phiên, VN-Index giảm gần 23 điểm so phiên hôm trước, về mốc 1.193,01 điểm. HNX-Index giảm 2,6 điểm, UPCoM cũng giảm 0,5 điểm. Thanh khoản sụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 19.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.

Khối ngoại giao dịch hơn 4.200 tỷ đồng và bán ròng gần 1.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, tâm điểm là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (338 tỷ đồng). VHM tiếp tục bị bán ròng mạnh gần 150 tỷ đồng. Danh sách còn có SHB 95 tỷ đồng, MSN 67 tỷ đồng, VIC 66 tỷ đồng, VRE 51 tỷ đồng, MSB 42 tỷ đồng; CTG, HDB, VCI trên 30 tỷ đồng…

Chiều ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất 106 tỷ đồng, kế đến là GMD 62 tỷ đồng; MWG, SSI trên 20 tỷ đồng…

Nhóm bluechip chịu áp lực điều chỉnh lớn. Trong rổ VN30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là MSN +1,1%, POW +0,5%, SSB +0,2%, VNM +0,3%. Chiều giảm mạnh nhất là GVR -5,6%, BID -4,4%, CTG -4%, MBB -3,4%, SHB -3,5%, TPB -3,4%, VPB -3,2%, VIC -3%, VJC -2,5%...

Với mức giảm của các bluechip như trên, ngân hàng chính là nhóm gây áp lực lớn nhất lên thị trường. Trong nhóm này, ngoài SSB chỉ còn vài mã nhỏ giữ được sắc xanh, gồm BAB, KLB, LPB, NAB, OCB, PGB, VAB. KLB tăng mạnh hơn 8%, LPB cũng tăng đáng kể 3,3%. LPB vẫn đang giao dịch ở vùng đỉnh 20.000 đồng/cp.

Nhóm chứng khoán giảm gần 4% vốn hóa với VND -3,7%, VIX -4,8%, VCI -5,7%, SHS -3,6%, SSI -2,3%, HCM -4,6%... Nhiều mã nhỏ cũng chịu áp lực bán lớn, như FTS giảm sàn; CSI, CTS, BVS, BSI, AGR, MBS, ORS… giảm 4-6%. Chiều ngược lại có HAC tăng mạnh hơn 6%. AAS, EVF, HBS, IVS, VFS, VUA cũng tăng giá nhưng không đáng kể.

Tương tự, nhóm bất động sản ghi nhận nhiều mã giảm sâu. VIC giảm hơn 3%, VHM giảm 2,1%, NVL giảm 4,4%, DIG giảm 4,3%, NLG giảm 3,3%, PDR giảm 4%, DXG giảm 5,4%, KBC giảm 3,6%, CEO giảm hơn 4%, BCM giảm 2,3%; VRE, KDH, TCH giảm nhẹ…

Ngược dòng có QCG tăng trần lên mức giá 16.700 đồng/cp. Mặc thị trường biến động, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai vẫn liên tục “đắt hàng” những phiên vừa qua. Chỉ từ đầu tháng 4 đến nay, mã tăng 25%; còn so với thời điểm đầu tháng 2/2024, QCG đã tăng gấp đôi giá trị.

Tin tức mới nhất liên quan đến Quốc Cường Gia Lai là công ty này phải hoàn trả lại hơn 2.800 tỷ đồng tiền đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan, nếu muốn nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 6 bất động sản bị kê biên trong vụ Vạn Thịnh Phát.

Các cổ phiếu bất động sản hiếm hoi còn giữ được sắc xanh là SZC, VPI, NBB, CKG, SZL, DTD…

Nhóm thép ghi nhận HPG giảm 1,2%, HSG giảm 3,6%, NKG giảm 2,8%. SMC bất ngờ tím trần, tăng lên mức giá 11.400 đồng/cp.

Tại các nhóm ngành khác, nhiều cổ phiếu đầu ngành cũng chứng kiến mức giảm sâu, như GEX -4,1%, VTP -5,9%, PNJ -3,6%, DGC -2,1%, PVD -4,7%, HVN -3,3%...

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.