VN-Index lại có phiên thanh khoản tỷ USD, ITA khớp lệnh đột biến ở giá sàn

ITA VN INDEX
16:06 - 16/06/2023
Giao dịch nhóm xây dựng và bất động sản với NVL dẫn đầu về thanh khoản.
Giao dịch nhóm xây dựng và bất động sản với NVL dẫn đầu về thanh khoản.
Từ mức tăng quanh 10 điểm, VN-Index bất ngờ “quay xe” sau 2h chiều do lệnh bán kê dồn dập. Thanh khoản toàn thị trường lại đạt mốc tỷ USD, với ITA khớp lệnh đột biến ở mức giá sàn.

VN-Index mở cửa phiên 16/6 với sự tưng bừng, được hỗ trợ bởi thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất. Có thời điểm, chỉ số tăng hơn 10 điểm, vượt qua mốc 1.120 điểm. Tuy nhiên từ 2h chiều, tình thế bắt đầu thay đổi và VN-Index có lúc mất tới 4 điểm.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE giảm gần 2 điểm so với phiên hôm qua, về mốc 1.115,22 điểm. HNX-Index cũng giảm hơn 1 điểm, còn UPCoM vẫn giữ được sắc xanh. Toàn thị trường có hơn 500 mã giảm và hơn 400 mã ở chiều tăng. Chiều tăng có 55 mã tăng trần nhưng đều thuộc nhóm cổ phiếu nhỏ.

Sắc xanh chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tuy nhiên so về sự biến động thì đây cũng là nhóm ghi nhận sự đảo chiều mạnh mẽ nhất. Kết phiên sáng, có tới gần 30 mã thuộc nhóm này tăng từ 3-6%. VND có thời điểm tăng sát trần. SSI cũng có lúc tăng hơn 4%. Nhưng khi kết phiên, hai cổ phiếu đầu ngành này chỉ còn tăng 1,6%. Một số mã còn giữ được mức tăng mạnh là APS, BMS, DSC, HAC, HBS, SBS, TVC, TVB.

Ngoài nhóm chứng khoán, các nhóm vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, thiết bị điện cũng ở chiều tăng. Dù vậy, mức tăng không đáng kể khi dòng tiền không đồng thuận. Như tại nhóm vật liệu xây dựng, HPG tăng 1,3%, NKG tăng 0,3% - là động lực để giữ thế cân bằng cho nhóm, trong khi HSG giảm 0,3%, VCS giảm 2,9%, là gánh nặng kéo vốn hóa của nhóm đi xuống.

Tương tự tại nhóm ngân hàng, một vài cổ phiếu “gánh team” như STB +4,3%, VCB +1,5%, ACB +0,5%, SHB +1,2%... Còn BID, CTG, VPB, TCB, HDB… đều kết phiên trong sắc đỏ.

Trong các nhóm còn lại ở chiều giảm, dầu khí diến biến tiêu cực nhất khi chỉ có PVB và TOS tăng nhẹ. PLX giảm gần 3%, POS và PVE giảm hơn 3%, PVC, PVD giảm hơn 2%.

Nhóm bất động sản và xây dựng cũng phân hóa theo hướng dòng tiền rút ra mạnh hơn dòng tiền vào. NVL và PDR tác động tiêu cực nhất khi giảm hơn 2%. VHM và VRE cũng giảm lần lượt 0,9% và 1,3%. Nhiều mã bị sắc đỏ bao trùm như KBC, NLG, HDG, FCN, HQC, LDG, DXS, VPI… QCG của Quốc Cường Gia Lai tiếp tục giảm sát sàn (-6,67%), kéo thị giá xuống dưới mệnh giá, còn 9.800 đồng/cp.

ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo giảm sàn về mức giá 5.700 đồng từ đầu phiên nhưng nhận được lực cầu nên khớp lệnh đột biến hơn 35 triệu đơn vị. Cổ phiếu này bị nhà đầu tư xả ồ ạt sau khi HoSE ra quyết định đưa ITA vào diện kiểm soát kể từ ngày 22/6, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 và năm 2022 là số âm căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.

Cổ phiếu ITA đồng thời đang trong diện cảnh báo theo quyết định ngày 14/4 của HoSE, do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 có ý kiến ngoại trừ.

Liên quan đến hoạt động công ty, ngày 13/6/2023, Tân Tạo đã thông báo thay đổi người đại diện pháp luật từ Chủ tịch HĐQT bà Đặng Thị Hoàng Yến sang Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Phong.

Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là thị trường tiếp tục có phiên thanh khoản vượt mức tỷ USD. Cụ thể, giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 26.000 tỷ đồng, riêng kênh khớp lệnh là hơn 23.800 tỷ đồng. Trong tuần giao dịch trước, VN-Index cũng có phiên giao dịch tỷ USD vào 8/6. Mức thanh khoản này thường xuyên diễn ra vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhưng sau đó sụt giảm nhanh chóng trong bối cảnh lãi suất tăng, tín dụng thắt chặt.

Các mã dẫn đầu về thanh khoản là VND (69,3 triệu đơn vị), NVL (51,5 triệu đơn vị), STB (44,8 triệu đơn vị), SHS (44,3 triệu đơn vị), SHB (42,9 triệu đơn vị), SSI (34,4 triệu đơn vị)…

Khối ngoại mua ròng 470 tỷ đồng trên HoSE, trong tổng số hơn 4.700 tỷ đồng giao dịch, đánh dấu 1 tuần mua ròng liên tục trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, VND được mua vào mạnh nhất, với giá trị gần 270 tỷ đồng. HPG và STB cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có EIB, NLG, SSI, VHM, VIC, HDB, HCM…

Ngược lại, VNM vẫn bị khối ngoại miệt mài bán ròng, với giá trị gần 73 tỷ đồng. Hai mã ngân hàng TPB và CTG cũng bị bán ròng hơn 60 tỷ đồng. NVL và VRE bị bán ròng hơn 40 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp