Nhóm dịch vụ tài chính vẫn là động lực đi lên của thị trường. |
VN-Index hưng phấn ngay từ khi mở cửa phiên 28/3, với sự dẫn dắt của TCB. Mặc dù lực bán chốt lời đôi lúc cũng trồi lên mạnh mẽ nhưng dòng tiền mua cũng không kém cạnh. Nhờ đó mà đóng cửa, chỉ số vẫn chinh phục thành công mốc 1.290 điểm, tăng hơn 7 điểm so với kết phiên hôm qua.
HNX-Index và UPCoM cũng đều ở chiều tăng, lần lượt tăng 1,1 điểm và 0,3 điểm. Thanh khoản tiếp tục cải thiện so với các phiên trước, đạt gần 26.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Điểm trừ là khối ngoại vẫn rút ròng mạnh, giá trị bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Hai cổ phiếu “họ Vingroup” là VHM và VRE bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra mạnh nhất, giá trị bán ròng lần lượt là 323 và 255 tỷ đồng. TCB cũng bị bán ròng 193 tỷ đồng, kế đến VNM 160 tỷ đồng, NVL 158 tỷ đồng, MSN 122 tỷ đồng, VND 112 tỷ đồng, HPG 74 tỷ đồng, GEX 66 tỷ đồng...
Chiều ngược lại, STB được mua ròng mạnh nhất 182 tỷ đồng. Danh sách còn có SSI 46 tỷ đồng; MWG, FTS, HCM, VPB trên 30 tỷ đồng; CTS, AGR, FRT trên 20 tỷ đồng...
Bất chấp bị khối ngoại bán ròng mạnh, TCB được dòng tiền nội săn đón nên có những thời điểm tăng trần. Kết phiên, mã này tăng 5,4% lên mức giá 48.000 đồng/cp, khớp lệnh đột biến hơn 30 triệu đơn vị. Đây chính là mức giá đỉnh 2 năm của TCB, tăng 50% so với thời điểm đầu năm 2024.
Cổ phiếu của Techcombank “tạo sóng” ngay sau khi ngân hàng này công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, với phương án trả cổ tức gồm 15% bằng tiền mặt và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%. Nếu hoàn tất, TCB sẽ tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng.
TCB chính là động lực chính giúp chỉ số VN30 tăng hơn 14 điểm. Bên cạnh đó là sự đóng góp của STB +3,6%, VHM +1,9%, SSI +1,7%, FPT +1,6%, VIC +1,2%...Những mã bluechip ở chiều giảm có GVR -1,1%, HPG -0,2%, PLX -1,2%, SAB -0,5%, TPB -0,5%, VCB -0,1%, VRE -1,2%.
Nhóm thuỷ sản có mức tăng vốn hoá tốt nhất, với VHM +3%, ASM +4,3%, ANV +1,3%, FMC +0,5%, IDI +0,4%... Thời gian qua, dù không có những đợt “sóng” mạnh nhưng nhóm này cũng âm thầm đi lên, cùng sự hồi phục của xuất khẩu. VHC đã tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm 2024.
Nhóm tích cực thứ hai là chứng khoán. Hầu hết các mã lớn đều đạt mức tăng tốt, như SSI +1,7%, VCI +1,7%, HCM +3,6%, MBS +4,4%, FTS +2,3%, BSI +3,1%, VDS +3,4%, CTS +3,8%. Ở nhóm nhỏ có AGR tăng trần, BVS tăng gần 6%...
Chiều giảm chỉ có số ít mã, trong đó có VND -0,4%, khớp lệnh hơn 43 triệu đơn vị - thanh khoản cao nhất nhóm. Phiên hôm nay, hệ thống của VNDirect vẫn chưa thể giao dịch trở lại dù công ty công bố đã khôi phục. Như vậy đã 4 phiên, nhà đầu tư mở tài khoản tại VND không thể đặt lịch, sau khi hệ thống công ty này bị tổ chức nước ngoài tấn công từ sáng 24/3.
Nhóm nông nghiệp, bán lẻ và công nghệ thông tin hôm nay cũng tăng tốt, với các đại diện HAG +3,2%, FRT +6,7%, FPT +1,7%. Với mức tăng này, FRT lại trở về vùng đỉnh 156.000 đồng/cp xác lập hồi đầu tháng 3/2024. Vốn hoá công ty đạt hơn 20.600 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng ngoài TCB và STB thì hầu hết các mã đều biến động trong biên độ hẹp, tỷ lệ tăng giảm chỉ trên dưới 1%.
Nhóm bất động sản giữ sắc xanh chủ yếu nhờ bộ đôi VHM và VIC. Nhiều mã ở chiều giảm như NVL -2,5%, VRE -1,2%, KDH -1,3%, DXG -1,5%, VPI -1%, TCH -1,6%, CEO -0,9%, NLG -0,9%, DIG -0,2%...
Nhóm thép ghi nhận bộ ba HPG, HSG và NKG đều giảm giá, nhưng mức giảm không đáng kể.