VN-Index tiếp tục giảm, nhóm thủy sản 'ngược dòng'

VHC VN INDEX
16:08 - 18/09/2023
Giao dịch sàn HoSE phiên 18/9.
Giao dịch sàn HoSE phiên 18/9.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index chào tuần mới với phiên giảm điểm sâu, áp lực bán lớn ở các nhóm ngân hàng, bất động sản. Thủy sản là nhóm hiếm hoi đi ngược lại thị trường.

Phiên 18/9, VN-Index tiếp tục xu hướng điều chỉnh từ tuần trước. Thời điểm trước phiên ATC, chỉ số từng “rơi” hơn 22 điểm. Những phút giao dịch cuối cùng, khoảng cách được kéo lại và đóng cửa ở mốc 1.211,81 điểm, giảm hơn 15 điểm so với kết phiên thứ Sáu. Trong tuần trước, VN-Index đã giảm hơn 14 điểm.

HNX-Index giảm 2,2 điểm còn UPCoM giảm 0,59 điểm. Thanh khoản sụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch chỉ còn hơn 21.000 tỷ đồng, so với mức trung bình 28.000 tỷ đồng của tuần giao dịch trước. Khối ngoại chiếm hơn 2.200 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng 266 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong những tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài liên tục duy trì vị thế bán ròng.

VIC dẫn đầu chiều bán ròng của khối ngoại, với giá trị 137 tỷ đồng. Các bluechip VRE, SSI, VPB, VHM, HPG cũng bị bán ròng hơn 40 tỷ đồng; VND, GVR, FPT bị bán ròng trên 30 tỷ đồng. Ngược lại, DXG được mua ròng mạnh nhất 62 tỷ đồng. Còn lại khối ngoại gom ròng rải rác ở DGC, FRT, VHC, DCM, NLG, HSG…

Mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường hôm nay là VHM với mức giảm 3,1%, lùi về mốc 48.950 đồng/cp. So với thời điểm cuối tháng 7, cổ phiếu của Vinhomes đã giảm 22%. Nhiều bluechip cũng gây áp lực cho chỉ số khi giảm hơn 2%, như BID, CTG, GVR, HDB, SAB, TCB, VIB… Trong rổ VN30, chỉ có hai mã tăng nhẹ là SSI và STB.

Xét về nhóm ngành thì bất động sản và ngân hàng là hai nhóm tác động tiêu cực nhất. Tại nhóm ngân hàng, ngoài STB thì chỉ còn VBB giữ được sắc xanh. Giảm mạnh nhất là EIB 6,5%, SGB giảm 3,1%, KLB giảm 2,9%...

Sáng nay, EIB tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Đó là ông Trần Tấn Lộc và ông Nguyễn Cảnh Anh. Trước đó, vì lý do cá nhân, 2 thành viên HĐQT Eximbank đã xin từ nhiệm, gồm ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng.

Tại nhóm bất động sản, ngoài VHM thì NVL cũng giảm gần 4%, VRE giảm 2,5%, CEO giảm 2,6%; VIC, BCM, PDR, DIG giảm hơn 1%. Phần lớn các mã còn lại cũng ở chiều giảm. Chiều tăng có NLG, DXG, TCH, VPI, SJS, CKG…

Nhóm chứng khoán tăng nhẹ nhờ VND tăng 2,3%, SSI và HCM tăng nhẹ. Đa số các mã nhỏ đều chìm trong sắc đỏ, với HAC giảm mạnh nhất 7,8%; ABW, APG, HBS, PSI, VFS giảm 5-6%.

Nhóm dầu khí sau tuần bứt phá đã gặp áp lực chốt lời. BSR giảm 2,2%, PVS giảm 2,3%, PVB giảm 4,7%, PVC giảm 3,5%, OIL giảm 1,7%...

Nhóm “chạy ngược dòng” là thủy sản, với VHC tăng gần 5%. ANV và IDI tăng hơn 2%, FMC, CMX và ACL tăng nhẹ. Cổ phiếu thủy sản diễn biến tích cực thời gian gần đây nhờ tín hiệu sáng từ xuất khẩu.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, vẫn thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua. Đây cũng là mức doanh số cao nhất từ đầu năm đến nay.

Xuất khẩu cá tra trong tháng 8 đạt 167 triệu USD, ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ghi nhận mức âm 65% vào tháng 1 thì đến tháng 7 còn âm 7%, mở ra kỳ vọng phục hồi vào các tháng cuối năm.

Theo Vasep, những thông tin trên, cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường sẽ đem lại hy vọng cho xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm, với dự báo lạc quan doanh số xuất khẩu cả năm 2023 có thể đạt trên 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.