Xe điện chiếm 10% tổng doanh số xe mới bán ra toàn cầu năm 2022

XE ĐIỆN Ô TÔ
12:52 - 18/01/2023
Xe điện chiếm 10% tổng doanh số xe mới bán ra toàn cầu năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Wall Street Journal, doanh số bán xe điện toàn cầu năm 2022 đã vượt mốc dự đoán ban đầu, khi lần đầu tiên đạt khoảng 10% thị phần, chủ yếu nhờ tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Mặc dù xe điện mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh số bán ô tô tại Mỹ, nhưng thị phần xe điện trên tổng thị trường vẫn trở nên đáng kể tại châu Âu và Trung Quốc. Sự gia tăng doanh số xe điện tương phản với thị trường ô tô nói chung, vốn đang chịu áp lực từ biến động kinh tế toàn cầu như lạm phát và gián đoạn sản xuất.

Theo nghiên cứu sơ bộ từ LMC Automotive và EV-Volumes, trong năm 2022, doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện trên toàn cầu đạt khoảng 7,8 triệu chiếc, tăng 68% so với năm trước đó.

Ông Ralf Brandstätter, đại diện của Volkswagen AG tại Trung Quốc cho biết, xe điện sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và Trung Quốc có thể sớm đạt đến điểm mà doanh số bán xe xăng bắt đầu giảm khi mà xe điện đang chiếm thị phần lớn hơn.

"Năm ngoái, cứ 4 chiếc xe chúng tôi bán ra tại Trung Quốc, thì có một chiếc là xe điện. Tỷ lệ này dự kiến đạt 1/3 trong năm 2023 này. Mặc dù chúng tôi vẫn chưa đạt đến điểm bùng nổ, nhưng hy vọng sẽ đạt được điều đó trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2030.", ông Ralf Brandstätter nói.

Các nhà sản xuất khác cũng báo cáo mức tăng trưởng mạnh mẽ tương tự về doanh số bán ô tô điện, trong khi doanh số bán xe xăng chứng kiến một sụt giảm. Ford Motor, Mercedes-Benz và BMW đều cho biết doanh số bán xe điện của hãng đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2022, trong khi tổng doanh số bán xe lại giảm.

CBInsights Auto and Mobility Trends ước tính rằng, thị phần toàn cầu của xe điện có thể đạt 22% vào năm 2030. Trong khi chuyên trang nghiên cứu BloombergNEF đưa ra dự đoán thị phần của ngành có thể đạt gần 40% vào cuối thập kỷ này.

Các nhà sản xuất ô tô của châu Âu đã tập trung sản xuất và bán xe điện tại thị trường nội địa trong nỗ lực đáp ứng các quy định về khí thải của Liên minh châu Âu. Năm ngoái, họ bắt đầu mở rộng mạnh mẽ hơn hoạt động kinh doanh xe điện tại các thị trường lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.

Trên toàn thế giới, Tesla duy trì vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng doanh số xe thuần điện của các hãng xe. Đứng ở các vị tiếp theo theo là BYD, SAIC Motor của Trung Quốc và các thương hiệu thuộc Volkswagen.

Mỹ dường như bước chậm hơn so với Trung Quốc và châu Âu trong nỗ lực phổ cập xe điện, dù vậy trong năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô đã bán được 807.180 chiếc xe thuần điện, nâng thị phần lên 5,8% tổng doanh số xe nói chung. Tesla vẫn là nhà sản xuất xe điện lớn trên thế giới và Mỹ nói riêng.Theo sau là, Ford, Hyundai Motor và hãng xe liên kết Kia. Trong khi đó, General Motors, Volkswagen và Nissan Motor lại chứng kiến thị phần xe điện giảm tại Mỹ.

Xe điện đang trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn cầu, thế nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo về triển vọng duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số của xe điện có thể gặp khó khăn trong thời gian tới, do những lo lắng về kinh tế gây áp lực lên người tiêu dùng và các khoản trợ cấp cho xe điện bị giảm hoặc bị loại bỏ hoàn toàn ở một số nước. Cùng với đó, giá điện tăng ở châu Âu sau cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng làm giảm sức hấp dẫn của xe điện so với xe chạy bằng xăng.

Trong vài năm qua, các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là ở châu Âu đã phải chật vật để tìm các thành phần quan trọng như chip bán dẫn để duy trì sản xuất đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Sự không phù hợp giữa nguồn cung và nhu cầu này là một trong những lý do khiến các nhà sản xuất ô tô vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm ngoái mặc dù doanh số bán hàng nhìn chung giảm xuống.

Khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu, chuỗi cung ứng gián đoạn và các khoản trợ cấp hết hạn, nhiều nhà sản xuất có thể gặp khó khăn hơn trong việc duy trì mức giá bán cao cho ô tô mới. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều đơn vị phải giảm giá bán xe điện, qua đó ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Nhà phân tích Peter Fuss của Ernst & Young cho biết: “Nhu cầu có thể sẽ yếu đi trong năm tới. Nền kinh tế suy yếu sẽ khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp ngần ngại hơn trong việc mua xe điện”.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.