Yêu cầu hoàn thiện phương án giảm thuế, phí đối với xăng dầu. Ảnh: Quách Sơn. |
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 7/9/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022.
Thông báo nêu rõ, trong 8 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế, giá cả thị trường thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, kinh tế có chiều hướng suy giảm ở một số nền kinh tế lớn, xung đột chính trị giữa một số quốc gia có diễn biến phức tạp… tác động đến mặt bằng giá thế giới và trong nước.
Trong bối cảnh đó, công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. CPI tháng 8 tăng nhẹ so với tháng trước, bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58%-2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục vụ tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao tình hình trong nước và thế giới, đánh giá tác động chính sách về tỷ giá và tín dụng đối với cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Ngoài ra, yêu cầu soát việc áp dụng các chính sách tài khóa, đặc biệt là với các chính sách sắp hết hiệu lực, nghiên cứu dư địa còn lại của các chính sách thuế, phí đặc biệt liên quan đến xăng dầu.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý không để xảy tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý và yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường chỉ đạo, đề nghị, tuyên truyền đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan chuyên môn rà soát chặt chẽ mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là yếu tố xăng dầu. Trường hợp yếu tố xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá… xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo và tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước.