Yêu tiền và thích tự chủ, nhà đầu tư cá nhân đổ xô vào cổ phiếu đầu cơ

CHỨNG KHOÁN Cổ Phiếu
10:21 - 21/11/2021
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp những lời khuyên từ phía các chuyên gia cũng như bài học lịch sử năm 2007, nhà đầu tư cá nhân chỉ biết có "3 chữ cái" và đổ dồn tiền vào nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Thị trường chứng khoán thời gian qua có một đặc điểm đáng chú ý, đó là cổ phiếu nhóm penny tăng bằng lần, ngược chiều với kết quả kinh doanh thua lỗ, vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp.

Thậm chí, khi cổ phiếu có những cú sụt mạnh thì cũng đồng thời cũng xuất hiện tình trạng nhà đầu tư hô hào bắt dao rơi và tiền quả thật chạy vào. Thể hiện rõ nhất trong các phiên của tuần trước, các nhịp giảm khiến hàng loạt mã đầu cơ đã xuống chạm giá sàn rồi bật lên với thanh khoản cao.

Trước diễn biến này, MEKONG ASEAN đã có buổi trao đổi với chuyên gia tài chính, chứng khoán Phan Dũng Khánh.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến dòng tiền đổ xô vào nhóm cổ phiếu đầu cơ?

Hiện tại, mối quan tâm của các nhà đầu tư khi tham gia thị trường cổ phiếu đều là kiếm tiền. Mà muốn kiếm được tiền thì phải mua được cổ phiếu tăng giá chứ không hẳn là mua cổ phiếu tốt.

Đối với F0, họ yêu tiền chứ không yêu doanh nghiệp, đặc biệt không nghiện phân tích báo cáo tài chính. Do đó, mối quan tâm duy nhất của họ là tiền và phải kiếm tiền thật nhanh.

Bị mong muốn kiếm tiền chiếm hữu nên họ cũng hiếm khi đặt ra câu hỏi: công ty đó làm gì, triển vọng tương lai thế nào, tên gì cũng không biết luôn mà chỉ mong được phím “3 chữ cái”.

Nhìn chung, họ chỉ cần biết cổ phiếu họ mua sáng nay chiều có lời, hoặc mua xong một tiếng sau có lời. Đồng thời, hàng hoá đầu cơ thường ở HNX hoặc UPCoM (nơi có biên độ giao dịch lớn), vì thế nó luôn có sức hút với nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư cá nhân, F0.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư hút vốn khi mà dòng tiền từ gửi tiết kiệm và nhiều kênh khác không còn được hấp dẫn.

Chỉ cần nhìn lượng tài khoản mở mới thì chúng ta cũng hình dung qua được lượng tiền của nhà đầu tư F0 đang đổ đổ vào thị trường thời gian qua lớn như thế nào.

Không những vậy, khi thấy thị trường cũng như cổ phiếu đầu cơ tăng quá, Fn cũng bắt đầu bị FOMO (Fear Of Missing Out, là một hiệu ứng tâm lý mà những người mang nó thường sợ bỏ lỡ mất cơ hội).

Có thể khẳng định, đợt tăng nóng của nhóm cổ phiếu đầu cơ thời gian qua đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân (cả F0 và Fn). Riêng nhà đầu tư tổ chức tôi nghĩ chỉ chiếm khoảng vài phần trăm đối với cổ phiếu penny vì họ hiểu rằng, một khi giá giảm rất dễ bị “kẹp hàng”, gây rủi ro rất lớn.

"Cảm giác tâm lý của nhà đầu tư đang lặp lại thời 2007", ông có thể giải thích rõ hơn ý này?

Tôi có quen người làm đạo diễn, MC, làm nghệ thuật… tức không liên quan gì đến lĩnh vực tài chính mà cũng đầu tư chứng khoán. Có ông chạy Grab đầu tư lời cả trăm phần trăm trong thời gian ngắn giờ còn mở cả lớp dạy đầu tư chứng khoán.

Những người không có trình độ liên quan đến chứng khoán, nhưng họ vào đúng con sóng và kiếm lời rất lớn. Từ đó, họ nghĩ rằng nên bỏ việc đi đầu tư chứng khoán vì thấy kiếm tiền dễ quá.

Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư quả thật đang lặp lại thời 2007.

Nhà đầu tư chỉ cần xin “3 chữ cái”. Vậy phải chăng công việc của các chuyên viên tư vấn đang rất nhàn?

Thật ra, cả trước kia hay bây giờ thì mục tiêu cuối cùng của nhà đầu tư cũng là “3 chữ cái”. Có điều như đã nói, giờ khách hàng ít quan tâm đến các loại phân tích kỹ thuật nên tư vấn viên cũng không cần giải thích quá nhiều.

Trái lại, khối lượng công việc của tư vấn viên sẽ nhiều hơn. Bởi số lượng khách hàng mới ngày một nhiều lên, phải chăm sóc nhiều khách hàng hơn trước.

Tuy nhiên, vấn đề tư vấn đang phát sinh một số tiêu cực. Đó là việc, ngoài ăn tiền từ môi giới, nhân viên công ty chứng khoán còn mở nhiều “room vip” thu đủ các loại phí, bán khoá học, bán mã, bán kèo ăn chia theo kiểu “thắng chia đôi, thua anh/chị chịu”.

Thậm chí, họ còn nhận uỷ thác, điều này là vi phạm pháp luật, bởi hiện tại công ty chứng khoán cũng không có chức năng đó. Hay nhiều môi giới còn tự nhận cầm cố cổ phiếu nếu khách hàng có nhu cầu vay tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng nhà đầu tư đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Vậy tại sao họ vẫn lao vào những mã đầu cơ kém chất lượng?

Những ý kiến này, hay thậm chí cả tôi nữa, cũng không đại diện cho đại đa số. Bởi chúng ta chỉ nhìn thấy xung quanh họ, những người bạn của họ chứ khó có thể nhìn thấy bao quát toàn bộ thị trường được, trong khi số liệu thống kê thì chưa đầy đủ.

Công bằng mà nói, có người trình độ rất cao nhưng vẫn bị vướng vào cổ phiếu đầu cơ. Ví dụ, một ông tiến sĩ học thức đủ kiểu, trong 6 tháng vừa qua chỉ lời có 10%. Trong khi, một người F0 còn chập chững thì lại có lợi nhuận gấp bằng mấy lần. Khi đó, cái ông tiến sĩ kia sẽ không thể chịu được việc mình bị thua kém, thành ra lại FOMO lao đầu vào mã đầu cơ.

Một khi đã vướng vào FOMO thì kể cả người nhiều kiến thức hay ít kiến thức, được cảnh báo hay không được cảnh báo đều bị hết.

Tôi thấy nhà đầu tư vẫn chủ yếu tự giao dịch. Phải chăng đây là đặc điểm của nhà đầu tư tại Việt Nam? Hay do chất lượng quỹ tại Việt Nam đang có vấn đề?

Năm ngoái, tính từ mức đáy, VN-Index tăng khoảng 70% và HNX-Index tăng khoảng 120% nhưng mức sinh lời của các quỹ đầu tư tại Việt Nam hầu như đều dưới tốc độ sinh lời của chỉ số. Nguyên nhân quỹ đầu tư đại chúng khó có tỷ suất sinh lời cao vì nhiều lý do như phí cao, mô hình quản lý quỹ còn hạn chế…

Trường hợp đầu tư vào các quỹ, các ETFs, tổ chức tài chính thì nhà đầu tư vẫn có lời, nhưng cảm thấy không như kỳ vọng, họ tin rằng mình có thể làm tốt hơn với nhiều cảm xúc hơn (ví dụ như các tổ chức hiếm khi nào dám mua cổ phiếu đầu cơ).

Ở khía cạnh khác, trên thế giới, người dân rất thích đầu tư vào các quỹ ETF thụ động vì sản phẩm của họ đa dạng. Danh mục đầu tư của quỹ cũng rất nhiều như chứng khoán, tiền ảo, vàng bất động sản… Hay có những quỹ dành cho giới nhà giàu (tư nhân), mà cái quỹ này thường đem lại lợi nhuận hơn nhiều lần so với các quỹ đầu tư đại chúng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các quỹ và các định chế tài chính khác chỉ có thể đầu tư vào chứng khoán hoặc chỉ có thể thêm bất động sản. Do vậy, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa mấy “mặn mà” với các quỹ đầu tư thụ động này và chủ yếu ưa thích việc tự mình “phiêu lưu” trên sàn.

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.