19 tỉnh, thành phía Nam góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

CHÍNH SÁCH Việt nAM
16:51 - 14/03/2023
Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Cần Thơ ngày 14/3. Nguồn: VGP.
Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Cần Thơ ngày 14/3. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 14/3, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham dự của lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tính toán các chỉ tiêu đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng cho biết, tại các tỉnh phía nam, đất đai là lĩnh vực hết sức quan trọng với yêu cầu cấp thiết là giải phóng nguồn lực đất đai, đóng góp hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề đặc thù về lịch sử, điều kiện tự nhiên liên quan đến nguồn gốc hình thành, mối quan hệ đất đai, ở các tỉnh phía nam như: Hạn điền; Hạn mức chuyển nhượng; Chuyển dịch đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, hỗ trợ; Quyền sử dụng đất ở gắn với đất vườn, ao, hồ; sử dụng đất đa mục đích, đất hỗn hợp để khai thác hiệu quả đất đai…

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố phía nam đang có tốc độ chuyển dịch đất nông nghiệp rất nhanh gắn với quá trình đô thị hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán hợp lý chỉ tiêu đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên… tại các tỉnh phía nam, nhất là khu vực Tây Nam Bộ, phù hợp để vừa bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Về phân bổ, điều chỉnh nguồn lực đất đai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải có công cụ điều tiết giá trị tăng lên từ đất đai ở những khu vực có điều kiện chuyển dịch đất đai để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… sang những khu vực, địa phương, dự án, cộng đồng dân cư không phát sinh giá trị tăng lên từ đất đai, hoặc hạn chế trong chuyển dịch đất đai.

"Đơn cử, các tỉnh Tây Nam Bộ rất hạn chế chuyển dịch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, giữ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên,… thì phải có cơ chế điều tiết lợi ích thu được từ đất đai ở các địa phương khác. Tương tự, hoạt động chuyển dịch đất đai không chỉ hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước tại nơi triển khai dự án mà cần điều tiết lợi ích, bảo đảm công bằng giữa các cộng đồng, địa phương khác"Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Vì vậy, yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hoá của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân.

Phó Thủ tướng mong muốn ý kiến của các tỉnh phía nam đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo tốt hơn.

"Cởi trói" cho nguồn lực đất đai

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện. Đồng thời, đề xuất bỏ Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Về kế hoạch sử dụng đất, đề nghị sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) trong Dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn, vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là một năm là rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Khoản 2, Điều 62 Dự thảo Luật Đất đai quy định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 5 năm, cấp huyện là hàng năm).

Riêng vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai, tại Hội nghị, đại biểu đến từ Cần Thơ đánh giá còn nhiều bất cập. Theo đó, quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, điều này gây khó khăn cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp.

"Trong khi đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ".Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường

Đại diện tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tấn Cận kiến nghị một số vấn đề, trong đó có việc thu hồi đất. Theo đó, địa phương này kiến nghị xem xét bổ sung thêm dự án thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhưng nhận được trên 50, 60, 70%... diện tích mà không thỏa thuận chuyển nhượng được thì Nhà nước tham gia thu hồi đất.

“Lý do, hiện nay có một số dự án trên địa bàn tỉnh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân khoảng 80% diện tích đất, còn 20% người dân không chấp thuận chuyển nhượng, gây khó khăn cho nhà đầu tư, đòi giá cao làm ảnh hưởng đến giá đất đối với khu vực xung quanh”, ông Lê Tấn Cận phát biểu.

Về bồi thường hỗ trợ và tái định cư, Bạc Liêu cho rằng Luật cần quy định rõ tiêu chí để so sánh về “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Bạc Liêu cũng kiến nghị luật quy định rõ giá đất cụ thể tái định cư tại chỗ quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong khi dự án chỉ mới thực hiện thu hồi đất, bồi thường và chưa có hạ tầng.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm quản lý đất đai tại địa phương, lãnh đạo UBND các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp… đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề định giá đất; Bổ sung các điều, khoản thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… tương thích với các luật, nghị định có liên quan; Thẩm quyền của địa phương về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phát triển quỹ đất…

Nhiều ý kiến còn băn khoăn về phương án xây dựng bảng giá đất, cơ chế cập nhật, điều chỉnh giá đất khi có biến động trên thị trường; Phân cấp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương… được quy định trong dự thảo luật.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, những ý kiến góp ý của nhân dân chắc chắn là những cơ sở rất quan trọng để làm cơ thực tiễn, cơ sở khoa học để xem xét bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những nỗ lực trong việc thực hiện đúng mục tiêu yêu cầu của đợt lấy ý kiến nhân dân lần này. Đó là huy động được thật sự, thật chất người dân tham gia đóng góp; Phát huy trí tuệ của nhân dân trong vấn đề xây dựng dự thảo luật quan trọng này.

Đồng thời, qua đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị hết sức rộng rãi. Qua đó tuyên truyền được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề quản lý đất đai thông qua Nghị quyết 18 vừa rồi Trung ương ban hành.

"Tôi cho rằng đây là dịp chúng ta thực hiện thắng lợi hai mục tiêu. Vấn đề còn lại là Quốc hội, Chính phủ cần phải nghiên cứu thế nào thật sự nghiêm túc, khoa học để lắng nghe, tổng hợp các ý kiến, phân tích được các ý kiến để nâng cao chất lượng dự thảo, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới vào tháng 5”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp