3 cảng biển Việt Nam lọt Top 100 cảng container lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới. Nguồn: VGP. |
Cảng biển TP HCM xếp thứ 22 trong danh sách Top 100 nói trên với sản lượng thông qua là 7,9 triệu Teus trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 1,3% so với năm 2020. Đây là cảng giữ vững vị thế trong bối cảnh kinh tế cả nước tăng trưởng còn chậm sau đại dịch.
Theo tạp chí Anh, Việt Nam có thể phát triển để nằm trong một chuỗi cung ứng chiến lược với cảng biển này. Tương lai của cảng biển TP HCM có thể mở rộng hơn nữa và khu vực này cũng đang có những thay đổi quan trọng. Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần cảng biển TP HCM với trị giá đầu tư dự kiến 6 tỷ USD nếu được phê duyệt có thể là cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tác dụng giao thương đáng kể với các nước trong khu vực.
Cảng biển Hải Phòng giữ vị trí thứ 38, có sản lượng hàng năm 2021 đạt 5,69 triệu Teus, tăng trưởng khoảng 10,8% so với năm đại dịch 2020. Tạp chí Lloyd’s List đánh giá tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa của cảng biển Hải Phòng năm 2021 đã tăng gấp đôi so với năm 2012.
Nhiều tuyến tàu container kết nối trực tiếp từ Hải Phòng đi các nước châu Á và Mỹ đã được hình thành, cũng như phát triển nhiều tuyến dịch vụ mới xuất phát từ cảng biển Hải Phòng trong thời gian qua như tuyến từ Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ, từ Việt Nam tới Tây Ấn Độ...
Các cảng biển tại đây cũng được đánh giá có sự tăng trưởng về lưu lượng hàng hóa. Trong đó, cảng Tân Vũ tại Lạch Huyện đạt sản lượng tốt nhất khi có hơn 1 triệu Teus thông qua trong năm 2021.
Tăng ấn tượng nhất là cảng Cái Mép khi vươn 10 bậc lên vị trí 32 trong bảng xếp hạng với lượng hàng thông qua đạt 5,32 triệu Teus vào năm 2021. Cảng Cái Mép được nhận định là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng sau đại dịch khoảng 22%.
Sự tăng trưởng ấn tượng này được đánh giá là có được sau khi Cái Mép có thêm cảng Gemalink (với 25% cổ phần của hãng tàu lớn thế giới CMA-CGM) đi vào hoạt động. Cảng này được kỳ vọng sẽ đón được khoảng 1,4 triệu Teus thông qua trong năm 2022.
Tại Cái Mép, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã thông qua hơn 2 triệu Teus trong 2 năm liên tiếp và đón những chuyến tàu lớn. Trong khi đó, Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT lại đón những chuyến tàu của các hãng tàu lớn thế giới như Maersk Lines, Cosco, OOCL... với trọng tải tàu có thể tiếp nhận lên tới hơn 200.000 DWT.
Hơn nữa, theo Lloyd’s List, các cảng biển này đều có khả năng đón tàu siêu trọng. Theo đó, cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép lọt top cảng biển trên thế giới có thể đón tàu siêu trọng. Ngoài ra, 3 cảng biển này của Việt Nam cũng lọt 10 top cảng biển có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất Đông Nam Á.
Cũng theo Lloyd's List, sau khi trải qua 12 tháng kinh hoàng vì bị đại dịch tấn công, các cảng container trên toàn cầu đã hồi phục trở lại trong năm 2021. Và việc bù đắp khối lượng sụt giảm trong năm 2020 là ưu tiên số một của ngành công nghiệp này.
Khi thế giới học cách sống chung với đại dịch và các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh tại các cảng cũng đã trở lại bình thường. 100 cảng trong danh sách năm nay đã đạt tổng mức tăng trưởng hơn 7% và có tổng khối lượng container thông qua là 676,1 triệu Teus, lớn hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái năm 2020.
Tuy nhiên, do năm 2021 vẫn là một năm khốc liệt khi nhiều cảng bị tắc nghẽn và gián đoạn. Các chuỗi cung ứng tiếp tục căng thẳng. Điều này đã làm mất đi một khoảng thời gian hiệu quả đối với các cảng container trên thế giới.