66% doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng đầu tư năm 2023

FDI ĐẦU TƯ
20:58 - 17/09/2022
Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn FDI.
Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn FDI.
0:00 / 0:00
0:00
Kết quả khảo sát trong tháng 9/2022 do Bộ KH&ĐT phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trên 90% doanh nghiệp FDI đạt hiệu quả kinh doanh tích cực, là cơ sở tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam trong 2023.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng công bố tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 17/9. Ông cho biết nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Đưa ra những con số khẳng định lòng tin của giới doanh nghiệp, Bộ trưởng Dũng cho biết, kết quả khảo sát nhanh do Bộ KH&ĐT phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022 cho thấy nhiều thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài. Đặc biệt, có khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

Cùng với đó, 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine Covid…) ở mức trung bình và cao.

Trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: Miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động.

“Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Cuối năm 2021, khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp FDI chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế khởi sắc đã góp phần quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc triển khai dự án của mình.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 3 điểm phần trăm so với 7 tháng. Đây là con số “kỷ lục”, so với ngay cả trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra.

Giải ngân vốn FDI của 8 tháng các năm từ 2017 trở lại đây chỉ lần lượt đạt 10,3 tỷ USD; 11,25 tỷ USD; 11,96 tỷ USD; 11,35 tỷ USD và 11,58 tỷ USD.

Với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Bộ trưởng Dũng cho biết, Việt Nam đang ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển.

Việt Nam cũng ưu tiên thu hút những dự án có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và những dự án thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội Việt Nam.

Để làm tốt việc đón đầu được dòng vốn, người đứng đầu Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thu hút, hấp dẫn FDI.

"Việt Nam cần sẵn sàng về nguồn lực đất đai, nhân lực, hạ tầng… đặc biệt là các gói hỗ trợ dành riêng cho các nhà đầu tư chiến lược, có sức lan tỏa lớn, đồng thời tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự sẵn sàng này cần đồng bộ đến từ Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp".

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, gồm: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.

Đọc tiếp