Ảnh minh họa: PV OIL. |
Cụ thể, trong quý 1/2024, sản lượng kinh doanh xăng dầu của OIL đạt gần 1,4 triệu m3/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ; doanh thu hợp nhất đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 300 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, hoạt động của tất cả đơn vị thành viên PV OIL đều có lãi. Tổng công ty đã phát triển thêm 33 cửa hàng xăng dầu trong quý đầu năm để nâng tổng số điểm bán toàn hệ thống lên 789 cửa hàng. PV OIL cũng thực hiện tốt công tác quản trị, tiết giảm chi phí để nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo kế hoạch, PV OIL sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 26/4 tới đây. Dự kiến tại cuộc họp, với kịch bản giá dầu thô năm 2024 đạt 70 USD/thùng, HĐQT PV OIL dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 83.000 tỷ đồng và 740 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả như trên, sau 3 tháng đầu năm, PV OIL đã hoàn thành được 35% chỉ tiêu doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, phía PV OIL cho hay, so với thực hiện năm 2023, các mức doanh thu và lợi nhuận đặt ra đã giảm lần lượt 20% và 5%. Lãnh đạo doanh nghiệp dự báo, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, tăng cường công tác giám sát, quản lý thị trường.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước giảm đáng kể do nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng hoạt động để phục vụ bảo dưỡng từ tháng 3 và kéo dài trong khoảng 50 ngày.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch năng lượng và sự phát triển của ô tô điện diễn ra mạnh mẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Đây là những lý do khiến PV OIL dự báo kết quả kinh doanh sẽ suy giảm.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, PV OIL cho biết, năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của doanh nghiệp âm 6,2 tỷ đồng.
Do đó, nhằm tích lũy lợi nhuận để thỏa mãn một trong các điều kiện để cổ phiếu OIL được chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE là "không có lỗ lũy kế" trên báo cáo tài chính, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nên HĐQT OIL trình kế hoạch chi 206,8 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 2%.
Cũng tại ĐHĐCĐ tới đây, PV OIL sẽ trình cổ đông tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản là 1.070 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2023. Trong đó, dành 459 tỷ đồng để xây mới và cải tạo kho cảng, chi 266 tỷ đồng để xây mới và cải tạo cửa hàng xăng dầu và dành 345 tỷ đồng còn lại cho các hoạt động đầu tư, mua sắm khác.
Về tình hình kinh doanh tại OIL, năm 2023, PV OIL đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và có sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng kinh doanh kể từ trước đến nay, đạt 5,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, hoàn thành 158% kế hoạch năm và tăng trưởng 28% so với thực hiện năm 2022. Về đích sớm 2 năm so với mục tiêu sản lượng đề ra trong kế hoạch 2020-2025.
Mặc dù đã chịu tổn thất không nhỏ trong giai đoạn quý 4 khi giá dầu giảm sâu, năm qua, PV OIL vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính với doanh thu hợp nhất năm thứ hai liên tiếp vượt mốc 100.000 tỷ đồng, hoàn thành 220% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 750 tỷ đồng, hoàn thành 125% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ghi nhận 621,3 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, quy mô tổng tài sản của PV OIL đạt 38.811 tỷ, tăng 35% so với con số đầu năm do tăng mạnh khoản phải thu, hàng tồn kho và các khoản tiền, tiền gửi ngân hàng.
Đáng chú ý, khoản phải thu và tồn kho tăng mạnh khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PV OIL ghi nhận âm 675 tỷ đồng năm 2023, trong khi năm 2022 con số này là dương 3.176 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cuối năm của PV OIL là 7.055 tỷ, chủ yếu là vay ngắn hạn.
PV OIL hiện đang là doanh nghiệp bán lẻ đứng thứ 2 về thị phần tại Việt Nam, việc tích cực mở rộng mạng lưới bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp củng cố vững chắc hơn vị thế, giành được thêm thị phần từ các đối thủ yếu hơn, cũng như cải thiện biên lợi nhuận gộp do kênh bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn so với kênh hệ thống đại lý/tổng đại lý.