Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Ảnh: VGP |
Trước đó, trong buổi sáng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi khảo sát tình hình thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp và quản lý vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng thuộc nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng cao
Báo cáo của các địa phương tại buổi làm việc cho thấy trong bối cảnh Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong đó 6 địa phương phát triển mạnh về công nghiệp đều có mức tăng trưởng thấp thì Hải Dương, Quảng Ninh, và Hải Phòng đều thuộc nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước.
Cụ thể, Hải Phòng tăng 9,65%, gấp 2,9% bình quân chung cả nước, đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng, đứng đầu vùng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH); Hải Dương tăng 8,35 %, đứng thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ 3 trong vùng ĐBSH; Quảng Ninh tăng 8,06%, đứng thứ 12 cả nước về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ 6 trong vùng ĐBSH.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của 3 địa phương đều tăng so với cùng kỳ, trong đó Hải Phòng tăng 13,37%, Hải Dương tăng 10,7%, Quảng Ninh tăng 4,7%, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chủ lực là thế mạnh của các địa phương như chế biến chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô, đóng tàu và cấu kiện nổi, sản phẩm điện, điện tử,...
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm của TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, Hải Phòng ước đạt 9 tỷ USD, tăng 16,58%; Quảng Ninh ước đạt 929 triệu USD, tăng 13,7%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hải Dương có xu hướng giảm (4,5%)do một một số mặt hàng chủ lực như may mặc, da giày, thiết bị điện đều giảm.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của 3 địa phương đạt 1,06 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng số vốn của vùng ĐBSH, chiếm gần 12% cả nước.
Số doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập của 3 địa phương tăng về số lượng so với cùng kỳ là 2.392 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 16.630 tỷ đồng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến nay, chỉ có TP Hải Phòng đạt tỉ lệ giải ngân là 38,28%, cao hơn bình quân chung cả nước (15,65%) trong khi Hải Dương, Quảng Ninh có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, chỉ đạt khoảng 14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặc biệt, tỉ lệ giải ngân vốn ODA của các địa phương là rất thấp, chỉ đạt 0,04%, trong đó TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VGP |
Lãnh đạo các địa phương cũng báo cáo với đoàn công tác về những tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của địa phương, trong đó có việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng khi thực hiện một số dự án giao thông đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, dù diện tích rất ít, cũng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường làm kéo dài thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Các địa phương cũng báo cáo về những vướng mắc liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, nhà ở cho người lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp; tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khi thực hiện các dự án BOT; cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc ở các vị trí nhà quản lý, chuyên gia; việc cung cấp điện cũng như đất sử dụng để san lấp mặt bằng tại các khu công nghiệp...
Tập trung tháo gỡ nút thắt về thể chế cho các địa phương
Tại cuộc họp, lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành Trung ương giải đáp những khó khăn, vướng mắc của 3 địa phương đồng thời cập nhật tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, những vướng mắc liên quan đến chính sách chính sách nhà ở, giá đất, đấu thầu, phòng cháy, chữa cháy…. theo phản ánh của các địa phương đều đã được đưa vào các dự thảo luật sửa đổi để trình Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội dự thảo một số nghị quyết nhằm tháo gỡ nhiều nút thắt về thể chế cho các địa phương. Trong đó, có thể kể đến như dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ…
Chính phủ cũng đã trình dự thảo Nghị quyết thí điểm sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm phục hồi và phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi khảo sát tình hình thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp tại Quảng Ninh. Ảnh: VGP |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nhìn nhận đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức do tình hình thế giới còn khó khăn, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, nhiều nút thắt chưa được giải quyết căn cơ, trong khi doanh nghiệp chưa có đủ năng lượng để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2023, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải nỗ lực lớn, quyết tâm rất cao.
Phó Thủ tướng cho biết, theo Quyết định 435, sẽ có 26 đoàn công tác của Chính phủ đến tất cả các địa phương để khảo sát, nhận diện rõ những quy định còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn chồng chéo, hoặc còn thiếu để từ đó điều chỉnh, bổ sung, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện với một tốc độ nhanh hơn để bù đắp cho những khó khăn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc của các địa phương từ 26 đoàn công tác, để từ đó phải đề xuất được giải pháp tháo gỡ.
Quá trình tổng hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ phải thực hiện theo các nguyên tắc từng bước, trước mắt tập trung khắc phục tình trạng chồng chéo, chưa đầy đủ về quy định pháp luật; phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Trước kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc quản lý vùng đệm Vịnh Hạ Long, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ tất cả các địa phương có vùng đệm các khu di tích, di sản để đưa ra giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì buổi làm việc giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh về cơ chế cấp điện cho các khu công nghiệp trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa hai bên.