Ban IV đề xuất lập Tổ công tác đặc biệt về mở cửa du lịch quốc tế

DU LỊCH Việt nAM
22:22 - 06/05/2022
Lượng khách quốc tế sau khi Việt Nam mở cửa du lịch vẫn chưa được như kỳ vọng.
Lượng khách quốc tế sau khi Việt Nam mở cửa du lịch vẫn chưa được như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề đạt một số kiến nghị nhằm gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương mở cửa du lịch, thu hút khách quốc tế.

Theo báo cáo nghiên cứu của Ban IV và Nhóm nghiên cứu Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), hoạt động du lịch trong tháng vừa qua (tính từ thời điểm Việt Nam tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế ngày 15/3/2022) chưa đạt được kỳ vọng do nguyên nhân khách quan là tác động của cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine, các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chưa sẵn sàng; thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm thu hút khách du lịch quốc tế.

Trích dẫn thống kê của Tổng cục Du lịch, Ban IV cho biết, trong tháng 3/2022 Việt Nam đón được 15.000 lượt khách du lịch quốc tế, tháng 4 đón được 80.000 lượt khách. Tính chung 4 tháng đầu năm đón được 102.358 lượt khách.

"Kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15/3/2022 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành du lịch" tuy nhiên theo tính toán của Ban IV, "so với con số khách vào 4 tháng đầu năm thì chúng ta mới đạt được 50% số ước tính để đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022".

Về nguyên nhân chủ quan là do các hoạt động sự kiện truyền thông và xúc tiến của du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh. Hiện nay, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế chủ yếu là các doanh nghiệp tự thực hiện. Trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội thiếu cập nhật thường xuyên.

Bên cạnh đó là các quy định về y tế của Việt Nam chưa thật sự thuận lợi cho khách, bao gồm xét nghiệm, sử dụng ứng dụng PC-COVID, bảo hiểm du lịch cho tới quy định 5K. Chính sách thị thực cũng chưa thực sự được áp dụng như trước khi xảy ra đại dịch, chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên và để đạt được số lượt khách tới trong các tháng tiếp theo như dự tính, Ban IV đề xuất các hoạt động cần triển khai tương ứng với các vấn đề đặt ra:

Chính sách miễn thị thực cần được cải thiện. Ban IV đề xuất mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… Áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn (30 ngày). Thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục.

Các yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần bỏ bớt hoặc giảm thiểu. Bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh. Chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho… Chỉ yêu cầu khách du lịch mua bảo hiểm du lịch với hạn mức tối thiểu 10.000 USD và bỏ yêu cầu bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid-19.

Cần điều chỉnh ứng dụng PC-Covid cho phép sử dụng email hoặc số điện thoại nước ngoài đăng nhập để nhận mã OTP khi cài đặt ở nước ngoài; hoặc trong trường hợp khách chưa cài đặt được từ nước ngoài thì phải có thông báo cho khách lý do vì sao thiết bị của khách chưa cài đặt được.

Truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch cần được đẩy mạnh. Tổ chức các chuyến tiếp thị trực tiếp ra thị trường chính, như tổ chức các chuyến xúc tiến kinh doanh (Roadshows), chào bán sản phẩm (Sales Calls), tổ chức các sự kiện giới thiệu Việt Nam (Vietnam Days) ở nước ngoài như tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...

Mời đại diện các công ty lữ hành lớn, báo chí, người có tầm ảnh hưởng của từng thị trường trọng điểm tham gia các đoàn khảo sát (Fam Trip, Press Trip) và viết bài quảng bá cho các điểm đến của Việt Nam. Tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc tế, tăng cường hoạt động emarketing (trang web Vietnam.travel và các trang mạng xã hội).

Tổng cục Du lịch cần có một nhóm chuyên nghiệp để sẵn sàng trả lời và tương tác với khách quốc tế qua mạng xã hội của Tổng cục (Facebook, Instagram) hoặc đường dây nóng (email, hotline) cung cấp trên trang web vietnam.travel. Ngành du lịch cần xây dựng xây dựng chiến lược marketing và xây dựng bộ thương hiệu mới cho du lịch Việt Nam.

"Việt Nam cần phải củng cố niềm tin của khách du lịch quốc tế, đặc biệt ở các thị trường trọng điểm bằng cách quảng bá rộng rãi kế hoạch mở cửa đón khách thông qua các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông quốc tế, các bài viết trên trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội liên tục cập nhật thông tin về mở cửa," theo báo cáo đề xuất do ông Trương Gia Bình ký gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho mùa du lịch inbound 2022, Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cùng cộng đồng doanh nghiệp du lịch đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần (bao gồm đại diện của khu vực công, khu vực tư nhân và một Ban Thư ký hỗ trợ tích cực), hoạt động điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời.

Ảnh tác giả

Trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho mùa du lịch inbound 2022, chúng tôi đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần (bao gồm đại diện của khu vực công, khu vực tư nhân và một Ban thư ký hỗ trợ tích cực), hoạt động điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời.

Đề xuất của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân

Tổ công tác sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp