Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu trước các phóng viên trong chuyến thăm tới một cơ sở liên hợp công nghiệp - quân sự ở Minsk, Belarus ngày 13/6. Ảnh: Dịch vụ Báo chí của Tổng thống Cộng hòa Belarus. |
Ngày 13/6, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta trích dẫn một tuyên bố của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai thực tế trên lãnh thổ Belarus "trong vài ngày tới". Nga sẽ là quốc gia giữ quyền kiểm soát số vũ khí hạt nhân chiến thuật này. Ngoài ra, ông cho biết Minsk cũng sở hữu các cơ sở để chứa tên lửa tầm xa nếu cần thiết.
Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn riêng biệt với kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-1 cùng ngày, ông Lukashenko cho biết: “Chúng tôi có tên lửa và bom mà chúng tôi đã nhận được từ Nga”. Đứng trong khu vực của một cơ sở liên hợp công nghiệp - quân sự ở Minsk, ông tiết lộ: “Những quả bom này mạnh gấp 3 lần so với những quả bom đã từng được thả xuống Hiroshima và Nagasaki”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông cho biết trên lãnh thổ Belarus hiện vẫn còn nhiều cơ sở lưu trữ hạt nhân còn sót lại từ thời Liên Xô và đã khôi phục được 5 hoặc 6 cơ sở trong số đó. Các thông báo này trùng khớp với những tuyên bố được Tổng thống Nga đưa ra ngày 9/6 trước đó về việc Nga sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở Belarus sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt để lưu trữ chúng đã sẵn sàng.
Việc triển khai các đầu đạn trên - vũ khí hạt nhân tầm ngắn có khả năng được sử dụng trên chiến trường - là động thái đầu tiên của Moscow bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Ngày 25/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin ký kết thỏa thuận về việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow trên lãnh thổ Minsk.
Nguyên nhân được đưa ra là do Mỹ cũng triển khai các vũ khí tương tự ở các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua trong khi Belarus đưa ra quyết định này sau nhiều năm chịu áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh phương Tây. Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí như một phần trong các đề xuất an ninh, nhưng Mỹ và NATO từ chối.
Thỏa thuận giữa hai nước bao gồm "thủ tục lưu giữ vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Nga trong một cơ sở lưu trữ đặc biệt trên lãnh thổ Belarus”. Nga sẽ bàn giao hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và một số máy bay chiến đấu Su-25 đã được chuyển đổi để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân cho lực lượng vũ trang Belarus.
Việc này nhận phải nhiều chỉ trích từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhà Trắng nhiều lần chỉ trích quyết định của Tổng thống Putin và cũng cảnh báo về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.
“Đây là một ví dụ nữa cho thấy Nga đang đưa ra những lựa chọn vô trách nhiệm và khiêu khích. Chúng tôi vẫn cam kết phòng thủ tập thể liên minh NATO”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói trong cuộc họp báo ngày 25/5. Bà cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden “sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”, đồng thời “không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh lập trường hạt nhân của mình”.