Theo đó, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng vào ngày 16/5. Như vậy, thời gian kết thúc vụ việc này sẽ là ngày 21/7/2022.
Trước đó, ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến của các bên liên quan về các khía cạnh của vụ việc. Để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, đánh giá đầy đủ thông tin mà các bên liên quan cung cấp.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, quý I/2022, Việt Nam ghi nhận lượng đường nhập khẩu từ năm nước kể trên vào Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đường từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam đã tăng từ 187.251 tấn năm 2021 lên 391.468 tấn năm 2022, tương đương tăng 109%. Số lượng đường nhập khẩu kể trên đều đang được hưởng thuế suất ưu đãi 5% từ Hiệp định ATIGA.
Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã ghi nhận lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng bất thường so với năm 2020. Cụ thể, 10 tháng năm 2021, lượng đường mía nhập khẩu từ 5 nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar vào Việt Nam đã tăng gấp 5 lần, từ 151.500 tấn lên hơn 757.000 tấn, so với cùng kỳ năm 2020. Và tất cả đường nhập khẩu này đều đang sử dụng mức thuế ưu đãi 5% từ Hiệp định ATIGA.
Vì vậy, ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia nêu trên.