Đường mía từ 5 nước ASEAN ồ ạt vào Việt Nam, nguy cơ Thái Lan đi vòng trốn thuế

Nông Sản Việt nAM
15:58 - 13/01/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2021, lượng đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN tăng vọt gấp hơn 5 lần, trong khi nhu cầu về mặt hàng này ở thị trường nội địa đã giảm xuống mức thấp nhất trong quý III. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 13/1, Tổng cục Hải quan cho biết, đã nhận được văn bản của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị Cục Giám sát quản lý về Hải quan (thuộc Tổng cục) cung cấp bản sao chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đối với các lô hàng đường mía nhập khẩu từ 5 nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar từ 1/10/2020 đến 30/9/2021. Cục Phòng vệ thương mại đề nghị Tổng cục Hải quan hỗ trợ, cung cấp tài liệu trước 11/2/2022.

Trước đó, ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia nêu trên.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2021, lượng đường mía nhập khẩu từ 5 nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar vào Việt Nam đã tăng gấp 5 lần, từ 151.500 tấn lên hơn 757.000 tấn, so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng lưu ý, toàn bộ số đường này đều hưởng mức thuế ưu đãi 5% (hoặc thấp hơn đối với đường xuất xứ từ Lào theo Hiệp định biên giới Việt – Lào), trên cơ sở giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Thống kê của Tổng cục Hải quan về lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam 10 tháng năm 2021 và cùng kỳ 2020

Thống kê của Tổng cục Hải quan về lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam 10 tháng năm 2021 và cùng kỳ 2020

Ngày 5/1/2022, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) có công văn gửi Cục Phòng vệ thương mại và Tổng cục Hải quan cho biết có nhiều dấu hiệu bất thường với C/O cấp cho mặt hàng đường tinh luyện nhập khẩu từ các nước ASEAN trên.

Cụ thể, theo VSSA, về nguồn gốc mặt hàng, đa số đường tinh luyện nhập khẩu trên được sản xuất tại các nhà máy luyện đường ở Indonesia và Malaysia với nguyên liệu chủ yếu từ đường thô nhập khẩu, bởi Malaysia không trồng mía, còn Indonesia tuy có trồng mía nhưng không đủ cho nhu cầu sản xuất đường trắng trong nước và phải nhập khẩu bổ sung.

“Theo báo cáo của Tổ chức đường thế giới (ISO), Indonesia và Malaysia là hai quốc gia nhập khẩu đường thô với số lượng lớn hàng năm để phục vụ cho chế biến luyện đường. Hai quốc gia này nhập khẩu đường thô từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Thái Lan và các quốc gia ngoài ASEAN như Úc, Brazil, Nam Phi… Theo đó, năm 2020, Indonesia chỉ nhập 36% đường thô từ Thái Lan, còn Malaysia chỉ nhập 2,8% đường thô từ Thái Lan. Như vậy, thực chất đường tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam từ hai quốc gia này, đa số đều có nguồn gốc từ các nước ngoài ASEAN”, VSSA cho hay.

Theo VSSA, chỉ tính riêng 10 tháng năm 2021, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia lần lượt là gần 267.000 tấn và 154.000 tấn. Toàn bộ khối lượng đường tinh luyện này đều có C/O mẫu D để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

Trên cơ sở những dấu hiệu bất thường về C/O mẫu D cho các lô hàng đường tinh luyện nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia trong năm 2021, VSSA đề xuất cơ quan điều tra xem xét, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Việc nhập khẩu ồ ạt các loại đường mía từ các quốc gia ASEAN vào Việt Nam có thể gây ảnh hướng lớn đến thị trường, đặc biệt là đối với người trồng mía và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mía đường Việt Nam, khiến họ khó có thể bán được hàng, gây giảm doanh thu, lợi nhuận, giảm sản lượng, công suất và làm giảm thị phần của đường sản xuất trong nước.

Trước đó, từ ngày 16/6/2021, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã bị áp mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức 47,64%, sau khi nước này đã xuất khẩu lượng đường cao bất thường (lên tới 1,3 triệu tấn) vào Việt Nam trong năm 2020. Kể từ khi áp dụng mức thuế này, lượng đường từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn (giảm 75%).

Tuy nhiên, từ giữa tháng 8/2021, VSSA đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN (cụ thể là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia) trong 6 tháng đầu năm tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi, ngành mía đường tại những quốc gia này hoàn toàn không có năng lực để có thể xuất khẩu vào Việt Nam.

VSSA nhận định: đã có hành động lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của đường xuất xứ Thái Lan thông qua nhập khẩu vào các nước trên. Như vậy, toàn bộ số lượng đường nhập khẩu chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường. VSSA đã hoàn thành hồ sơ và gửi lên Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương).

Tin liên quan

Đọc tiếp