Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện phần quản lý xăng dầu về Bộ Công thương

Bộ Tài Chính QUỐC HỘI
18:45 - 28/10/2022
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc 2 ngày thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội tại nghị trường, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam có một năm 2022 điều hành kinh tế xã hội thành công. Chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Dù thực hiện chính sách giảm thuế nhưng thu nội địa vẫn tăng trưởng 9,8%. Giảm chi thường xuyên 10%.

Về dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, 2023 sẽ là năm tiềm ẩn nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu trong nước và nhập khẩu tăng; xăng dầu khó khăn; lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng cao; room tín dụng thắt chặt và thị trường vốn khó khăn. Đặc biệt là lạm phát và lãi suất thế giới tăng cao tác động mạnh đến chính sách điều hành trong nước.

Để đảm bảo thận trọng, chủ động và chắc chắn trong điều hành, dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp. Tuy nhiên vẫn đặt cao với thu nội địa, với tiền từ sử dụng đất đạt 7,8%.

Trước ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng mức bội chi ngân sách thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mức bội chi đề ra là hợp lý. Nếu nâng bội chi lên cao có nghĩa là phải đi vay mà đi vay trong giai đoạn này hiệu quả sẽ không cao.

Về thị trường chứng khoán, cụ thể là kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 12,8% GDP. Theo chiến lược thì trái phiếu doanh nghiệp đến 2030 đạt 25%. Để phát triển thị trường này hướng đến mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, tạo nguồn vốn trung hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề thiếu hụt xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhu cầu xăng dầu của Việt Nam khoảng 12,9 triệu tấn/năm. Trong nước có 2 nhà máy sản xuất. Một là Lọc dầu Bình Sơn với sản lượng đề ra là 6,2 triệu tấn. 9 tháng vừa qua, nhà máy này đã sản xuất được 4,4 triệu tấn, đạt 70% kế hoạch.

Nhà máy thứ hai là Nghi Sơn được giao sản lượng 6,8 triệu tấn, tuy nhiên 9 tháng mới đạt 4,3%.

Còn lại là sản lượng nhập khẩu với 6,2 triệu tấn, chiếm 32% và phân bổ cho 34 đầu mối. 9 tháng đầu năm, xăng dầu nhập khẩu cũng chỉ được 3,97 triệu tấn, không đạt kế hoạch. Trong quý 3, nhập khẩu xăng dầu giảm 40% so với quý trước đó.

Bộ trưởng Phớc cho biết, phía Bộ Tài chính đã giảm thuế môi trường xuống 3.000 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 20% xuống còn 10%. Chi phí vận chuyển xăng dầu theo Nghị định 95, 1 năm tối đa được nâng 2 lần, từ đầu năm đến nay đã nâng 2 lần. Hiện 1 lít xăng RON92 có chi phí vận chuyển và chi phí quản lý 1.960 đồng.

Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 21/10/2022 xin ý kiến của các công ty đầu mối, của Bộ Công thương để xem xét có nâng chi phí định mức nữa hay không. Tuy nhiên Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 6 văn bản của 6 doanh nhân đầu mối. Ý kiến Bộ Công thương cũng chưa nhận được.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95 và giao toàn diện phần quản lý Nhà nước về xăng dầu về cho Bộ Công thương, kể cả phần quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động.

Theo dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 của Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN là hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Chi NSNN là hơn 2 triệu tỷ đồng và bội chi dự kiến là 4,42% GDP. So với dự toán năm 2022, dự toán thu NSNN năm 2023 tăng khoảng 209.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp