Bộ Tài chính: Tiếp tục đề xuất chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

CHÍNH SÁCH DOANH NGHIỆP
07:49 - 04/01/2023
Bộ đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023. Ảnh: Quách Sơn.
Bộ đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Trên cơ sở dự báo tình hình còn nhiều khó khăn và bội thu ngân sách năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, nhưng sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Nhiều khoản thu ngân sách vượt xa dự toán

Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021 (ngân sách trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán).

Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán); thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán...

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%). Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, một số khoản thu có mức vượt khá so với dự toán như thuế thu nhập cá nhân vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán,... được nộp trong quý I năm 2022.

Hay các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021. Các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so với dự toán.

Cùng với đó, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp năm 2022 đã có sự hồi phục. Đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank khoảng 5.800 tỷ đồng.

Năm 2022, cơ quan Thuế, Hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu. Quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3.440 tỷ đồng. Ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách trong năm.

"Có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu từ nhà, đất đạt 154,5%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 118,2% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước đạt 114,3% dự toán; thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,6% dự toán; kinh tế ngoài quốc doanh đạt 121,5% dự toán)", Bộ Tài chính cho biết.

Trong chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước 12 tháng ước đạt 1,562 triệu tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán. Như vậy năm 2022, ngân sách Nhà nước bội thu hơn 241.000 tỷ đồng.

Nghiên cứu đề xuất hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Chiều 3/1, tại họp báo thường kỳ Chính phủ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2022. Trả lời câu hỏi về việc một số chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đã hết hiệu lực như chính sách hỗ trợ thuế VAT từ 10% xuống 8% với một số mặt hàng.

Bước sang năm 2023, dự báo rất khó khăn, trên cơ sở bội thu ngân sách Nhà nước năm 2022 hơn 240.000 tỷ đồng, vậy Bộ Tài chính có đề xuất thêm những chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong năm 2023 hay không?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách tài khoá, thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã kéo dài từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tính riêng năm 2022, thuế VAT đã giảm từ 10% xuống 8% với hầu hết các mặt hàng có mức thuế 10%; gia hạn các tiền thuế phải nộp để hỗ trợ thanh khoản, dòng tiền cho doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân; giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu về mức sàn.

Theo Thứ trưởng, quy mô của các hỗ trợ này trong năm 2022 lên tới 233.000 tỷ đồng. "Đây là con số chưa từng có trong tiền lệ", Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, do đó, ngay từ những tháng cuối năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuẩn bị, nghiên cứu, đề xuất hàng loạt các giải pháp về chính sách tài khoá, thuế để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, với chính sách gia hạn nộp thuế, cơ quan này đã có kiến nghị và sẽ có báo cáo với Chính phủ theo thẩm quyền để xem xét quyết định, trên cơ sở đó tiếp tục hỗ trợ dòng tiền linh hoạt, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục chính sách giảm tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp trong năm 2023.

Đối với thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, cơ quan này cũng tiếp tục đề xuất giảm và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có quyết sách với việc này.

"Tinh thần là hỗ trợ tối đa có thể cho người dân, doanh nghiệp và căn cứ tùy tình hình để điều chỉnh phù hợp trong điều hành nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, phát triển bền vững, lâu dài", Thứ trưởng nhấn mạnh

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, đã sẵn sàng xây dựng các kịch bản khác nếu như tình huống năm 2023 có những diễn biến, có tác động tiêu cực. Song song với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành nhịp nhàng các chính sách về tiền tệ cũng như chính sách vĩ mô khác để đảm bảo cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.

Đọc tiếp