Bộ Tài chính yêu cầu siết chặt các biện pháp quản lý giá

GIÁ CẢ Việt nAM
16:25 - 28/09/2022
Người dân mua hàng trong một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Quách Sơn
Người dân mua hàng trong một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính vừa ký Công điện số 05/CĐ-BTC gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ yêu cầu tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Công điện nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá đã được triển khai đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2022, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng gia tăng, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn tăng giá từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá một số mặt hàng trong nước có hiện tượng tăng cao…

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân, để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bộ yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện công tác nắm bắt thị trường giá cả, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả báo cáo giá thị trường trên địa bàn theo đúng quy định.

Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.

Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Kiểm soát chặt việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ. Xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính để ứng phó kịp thời các tình huống.

Công điện của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong bối cảnh CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 1,64%. Đây là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới cao ở mức kỷ lục.

Bộ Tài chính trước đó cũng đã cập nhật 2 kịch bản điều hành giá.

Ở kịch bản 1, giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trong khoảng từ 5-10%, cộng với ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,2%, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,37%.

Ở kịch bản 2, giả định như kịch bản 1 và thêm các yếu tố từ giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng cao hơn từ 3-5%, ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,4%, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,87%.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát những tháng cuối năm 2022 vẫn rất lớn, trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa người dân sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.

Đọc tiếp