Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Có lúc, sửa một cái hàng rào cũng phải chờ vốn đầu tư công

QUỐC HỘI Việt nAM
13:53 - 25/05/2023
Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Bộ Tài chính
Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Bộ Tài chính
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính đề xuất cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng trong các cơ sở, công trình. Vướng mắc về đầu tư công cần phải được tháo gỡ bằng cách thực hiện một luật sửa nhiều luật.

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022 và tình hình những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ trình Quốc hội trước đó, đồng thời cũng đề cập đến 2 trong 13 chỉ tiêu chưa đạt được, cụ thể là về tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

"Thực tế, 2 chỉ tiêu này nhiều năm qua chưa đạt, giống như căn bệnh kinh niên trong khi đó, các giải pháp đưa ra chưa đủ rõ, chưa đủ mạnh mẽ để tạo chuyển biến", đại biểu nói.

Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nền kinh tế có độ mở lớn, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung vào các giải pháp căn cơ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cổ vũ khởi nghiệp từ trong nước.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan của những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được rõ ý, nhất là về các yếu tố bên trong và việc phát huy nguồn lực, tiềm lực tăng trưởng.

Theo đại biểu, hiện nay các lĩnh vực hạ tầng, giao thông, y tế đang gặp khó khăn; nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng cơ bản cũng gặp khó khăn...những điều này đều liên quan đến đầu tư công, trong khi đó đầu tư công lại không dùng hết kinh phí được phân bổ.

Đại biểu dẫn chứng, năm 2022 còn dư gần 20% vốn đầu tư công với gần 135.000 tỷ đồng không sử dụng đến. Nếu tất cả số tiền này được sử dụng thì không chỉ tạo thêm thu nhập những người trực tiếp sản xuất hàng hóa, mà còn kích thích vận tải, nông nghiệp, thương mại phát triển, đại biểu nói và cho rằng, đây là sự lãng phí thời cơ và sự lãng phí này đã kéo dài, cần được khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP HCM

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP HCM

Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng, cần giải pháp cả cấp bách và lâu dài

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, năm 2023, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, phải có sự tập trung, có giải pháp cả cấp bách và lâu dài.

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, mọi khó khăn đang dần lộ diện, nhất là từ hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, đại biểu cho rằng, động lực tăng trưởng phải từ trong nước, đi cùng chi tiêu ngân sách, đầu tư công. Tuy nhiên hiện nay, tỷ trọng, tỷ lệ chi tiêu ngân sách, đầu tư công chỉ khoảng 16% là chưa đạt. Tháo gỡ vướng mắc nói trên phải xuất phát từ cơ chế. Nếu không tháo gỡ triệt để, sẽ rất khó cho phát triển trong giai đoạn hiện tại và cả sau này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá cao các giải pháp Chính phủ ban hành từ đầu năm nay, nhất là các nghị quyết liên quan đến lãi suất ngân hàng, bất động sản.

Theo đại biểu, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% là điều rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tuy nhiên, chính sách này nên có độ mở về thời gian, có thể kéo dài hơn, tùy theo tình hình mà Chính phủ đề xuất, tránh ngắt quãng, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

'Sửa hàng rào cũng phải chờ vốn đầu tư công'

Tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhấn mạnh, với các vướng mắc như đại biểu Quốc hội chia sẻ về giải ngân vốn đầu tư công, nhiều vướng mắc sẽ cần được tháo gỡ, ví dụ như việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án; việc sử dụng vốn đầu tư công cho sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình.

"Các vướng mắc trên cần phải được tháo gỡ bằng cách thực hiện một luật sửa nhiều luật, tập hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trên cơ sở căn cứ ý kiến của các địa phương, đại biểu Quốc hội để từ đó trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa, tháo gỡ", Bộ trưởng nhìn nhận.

Bộ trưởng cũng đề xuất sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

"Theo đó, các địa phương sẽ không phải chờ dùng vốn của đầu tư công mà có thể chi từ nguồn chi thường xuyên", Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo của Quốc hội về vấn đề này.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

"Nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ các vướng mắc hiện nay của các bộ, ngành, địa phương. Bởi hiện nay, sửa chữa một cái hàng rào thì cũng phải chờ vốn đầu tư công, là không thể thực hiện được", người đứng đầu ngành Tài chính nhìn nhận.

Liên quan đến vướng mắc trong giải ngân mà câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng vẫn chưa giải quyết được, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phải sửa Luật Đầu tư công, bởi hiện nay các bộ, ngành, địa phương đều vướng với quy định, có vốn mới được lập dự án và phải có dự án mới có vốn, nếu như vậy thì sẽ không thể làm được.

Đọc tiếp