Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chắt chiu cơ hội nhỏ nhất, vượt qua những thách thức lớn nhất

DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI
12:25 - 11/08/2022
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị sáng 11/8. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị sáng 11/8. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, trong bối cảnh trập trùng khó khăn, điểm sáng đáng mừng là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, gần 92% doanh nghiệp khẳng định giữ nguyên hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III/2022.

Ngày 11/8, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định tình hình thế giới biến động nhanh phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo.

Tuy nhiên, Chính phủ đã kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc, ông nói.

Doanh nghiệp mới thành lập gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với 2019. Trong đó, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 31,2% và lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%.

Một điểm sáng đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III/2022. Trong đó, 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý II.

Thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%, đặc biệt là sự bùng nổ trong quý II năm nay.

7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021.

Từ báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, Bộ trưởng Dũng cho biết, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75% - 85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.

Chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, đối mặt vượt qua những thách thức lớn nhất

Mặc dù hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao. Đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, quy mô còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đa số doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu. Doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.

Mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn gần đây.

Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại...Tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, mặc dù hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi nhưng bối cảnh thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.

Trong đó, nguy cơ dịch bệnh Covid-19 và một số dịch bệnh mới bùng phát. Vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn biến phức tạp, bất thường sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.

Sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn gây ra khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thế giới trong ngắn hạn đang gia tăng. Xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực.

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, cam kết của Việt Nam tại COP26, các ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam.

Để bắt kịp xu thế đó, cần có các mô hình kinh doanh mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công nghệ, chuyển đổi số, còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, dẫn đến nguy cơ tụt hậu, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

“Thực tiễn này đã đặt ra yêu cầu lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải hành động sớm nhất - hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Chúng ta cần phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, dám đối mặt để vượt qua những thách thức lớn nhất; chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới to lớn hơn”.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Trước những khó khăn của thị trường trong và ngoài nước, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn, Bộ trưởng KH&ĐT đã đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Đối với các giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để.

Trong đó, tập trung vào khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đồng thời đẩy mạnh công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác.

Khó khăn về pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản; các quy định về môi trường trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đối với dự án xây dựng; đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gẫy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Thứ tư, tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách.

Thị trường du lịch phục hồi tương ứng là gần 100%.

Thị trường du lịch phục hồi tương ứng là gần 100%.

Đối với các giải pháp dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch cấp tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp, chế tài quản lý việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, minh bạch; điều chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo hướng giảm tối đa cho doanh nghiệp; gây dựng niềm tin cho doanh nghiệp để có định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững.

Thứ hai, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.


Tin liên quan

Đọc tiếp