Bộ Tư pháp nói về kê biên, phong toả tài khoản lãnh đạo FLC và Tân Hoàng Minh

flc Bộ tư pháp
22:33 - 27/04/2022
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam vì tội thao túng chứng khoán.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam vì tội thao túng chứng khoán.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua không ít vụ án dân sự mà Toà tuyên số tiền, tài sản các bị cáo phải thi hành rất nhiều nhưng đã bị tẩu tán. Vì vậy, biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản là nhằm đảm bảo hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án…

Tại cuộc họp báo thường kỳ thông báo về kết quả, tình hình hoạt động quý I/2022 của Bộ Tư pháp chiều 27/4, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã thông tin về việc phong toả tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng - cựu chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng như các lãnh đạo khác của hai tập đoàn này.

Theo ông Lợi, Tổng cục Thi hành án dân sự rất quan tâm tới hai vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Các cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan ở các địa phương. Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng, đảm bảo việc thi hành án về sau này.

Ông Lợi cho biết, thực tế thi hành án dân sự vừa qua đã cho thấy không ít khó khăn, vướng mắc khi Tòa án tuyên số tiền, tài sản mà các bị cáo phải thi hành rất nhiều nhưng bị tẩu tán nên số thi hành được rất ít. "Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản", ông Lợi dẫn Điều 126 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cho biết.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương cũng có nội dung: Kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Trước đó, liên quan vụ án hình sự “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan, Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phối hợp thông tin phục vụ điều tra.

Cụ thể, C01 đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đứng tên cá nhân cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp, cùng hai em gái ruột của ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Chứng khoán BOS và bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC.

Bên cạnh đó, C01 cũng có văn bản gửi 8 ngân hàng đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản; thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay, sao kê tài khoản; sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) từ năm 2016 đến nay của các tổ chức, cá nhân (khóa chiều ghi nợ đối với tài khoản cá nhân) đối với ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế.

Tin liên quan

Đọc tiếp