Các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng mối liên kết để hút khách du lịch

DU LỊCH Việt nAM
15:22 - 25/03/2023
Tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với CLB Du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thảo Ngân
Tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với CLB Du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thảo Ngân
0:00 / 0:00
0:00
Theo các doanh nghiệp trong ngành du lịch, để thu hút nhiều hơn khách du lịch, liên kết trong ngành cần đi vào thực chất để đưa ra những sản phẩm trọn gói từ đi lại, chỗ ở và trải nghiệm cho du khách.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 2 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch cả nước đã đón hơn 1,804 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo đường hàng không đạt 1,636 triệu lượt, tăng gấp 37,8 lần so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, việc thu hút khách quốc tế trở lại vẫn còn gặp một số khó khăn như giá vé máy bay đang đứng ở mức cao kéo theo giá tour tăng. Do vậy, Chủ tịch CLB Du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng nêu ý kiến tại tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới” tối 23/3 rằng, để thu hút khách quốc tế đề nghị các hãng hàng không giảm giá vé máy bay phục vụ tour du lịch.

Tại tọa đàm, một số doanh nghiệp cũng nhận định, sau dịch Covid-19, giá vé máy bay tăng cao khiến giá tour bị đội lên khá nhiều. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua của khách du lịch.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Dương Hoài Nam, Giám đốc văn phòng miền Bắc của Vietjet Air cho biết: "Tình hình kinh doanh của các hãng hàng không sau đại dịch Covid-19 rất khó khăn, đặc biệt là sự tăng lên của giá xăng dầu, hơn nữa Chính phủ cũng đang áp dụng mức trần giá vé máy bay nên giá vé của các hãng cũng không vượt quá mức trần này".

Để có được giá vé máy bay rẻ, phù hợp cho các tour du lịch, bà Nghiêm Thu Hòa, Giám đốc cao cấp thương mại Bamboo Airways gợi ý: "Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nên có kế hoạch dài hạn cùng sự chuẩn bị trước để chủ động lấy được giá vé tốt nhất tại các hãng hàng không".

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Việt, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Mường Thanh, để giảm giá chi phí tour cho du khách, các hãng hàng không nên “bắt tay” với các khách sạn, resort để tạo ra các gói sản phẩm trọn gói chất lượng cao mà giá thành hợp lý với chi phí của du khách.

Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Sun Group Holdings Trần Nguyện cho rằng, để thu hút du khách mua tour du lịch đòi hỏi các đơn vị cung ứng dịch vụ cần liên kết với nhau, tổ chức các chương trình khuyến mại dành cho doanh nghiệp lữ hành để những đơn vị này có thể giảm giá tour nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng dịch vụ.

Bà Trần Nguyện nêu ra 3 bài học cho các doanh nghiệp trong ngành là đầu tư sản phẩm nghiêm túc, làm marketing vì điểm đến và cuối cùng là liên kết hợp tác cùng phát triển. “Tôi luôn phản đối giá rẻ, cạnh tranh bằng giá. Cuộc chiến phá giá sẽ không bền vững. Chúng ta có thể lựa chọn các thị trường chiến lược để thúc đẩy cuộc chơi với các điểm đến”, bà Nguyện nói.

Phát triển thị trường du lịch MICE

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch quảng bá tour, tuyến mới trong năm 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định:

"HPA sẽ liên kết với các tỉnh thành phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch đô thị, du lịch biển đảo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với địa phương, hợp tác xây dựng tuyến du lịch mới tại các tỉnh, thành".

Tin liên quan

Đọc tiếp