Các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động

NGÂN HÀNG Việt nAM
10:11 - 01/06/2023
Các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động
0:00 / 0:00
0:00
Các ngân hàng liên tục có động thái giảm lãi suất huy động sau chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, từ đó, lãi suất cơ sở cũng tiếp đà giảm để hỗ trợ nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu

Trong thời gian gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng bao gồm cả nhóm quốc doanh đã liên tục giảm. Tính đến thời điểm 1/6/2023, lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng đã giảm 0,6 – 2 điểm % ở tất cả các kỳ hạn so với giai đoạn đầu năm nay.

Tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước bao gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank, trong ngày 31/5 đã tiếp tục có sự biến động.

Trong đó, Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,1%/năm; 6-9 tháng ở mức 5,5%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm về 6,8%/năm. Các mức lãi suất này giảm từ 0,4-0,5 điểm % so với vài ngày trước.

VietinBank cũng có mức lãi suất tương đồng với Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng được đưa về 4,1%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng được hạ xuống 5,5%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm về 6,8%/năm.

Tương tự tại BIDV, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng đều giảm thêm 0,5 điểm % so với trước đó, trong đó cao nhất là 5,5%/năm khi khách hàng gửi từ 6-9 tháng. Lãi suất cao nhất cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại ngân hàng này cũng giảm về 6,8%/năm.

Riêng tại Agribank, lãi suất gửi cao nhất của ngân hàng này là 6,8%/năm chỉ dành cho kỳ hạn gửi 12 tháng, trong khi các kỳ hạn dài hơn lãi suất còn giảm sâu về 6,6%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, đối với kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay, đa số các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động ở mức tối đa 5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều ngân hàng tư nhân thậm chí giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5 – 4,8 điểm % như Ngân hàng Bản Việt, SeABank, LPBank, TPBank, MB, PVComBank.

Tại kỳ hạn 6 tháng, chỉ còn 4 ngân hàng trả lãi suất trên 8%/năm là GPBank 8,3%; ABBank 8,2%; NCB 8,1% và HDBank 8,1%. Ở các ngân hàng tư nhân khác, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 6 tháng nằm trong khoảng 7,2 – 7,8%.

Trong khi đó nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, ACB, SHB hiện huy động mức lãi suất 7,2 – 7,5% cho kỳ hạn 6 tháng, thậm chí Sacombank và MB chỉ áp dụng lãi suất 6,8% và 6,6%.

Lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng đang là 8,5%/năm tại ngân hàng GPBank. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại đang niêm yết lãi suất trên mức 8%/năm là ABBank 8,3%; VietABank 8,2%; VIB 8,2%; PVComBank 8,2%; NCB 8,15%; HDBank 8,1%; OCB 8,1% và BaoVietBank 8,1%.

Lãi suất cơ sở tiếp đà giảm

Việc lãi suất huy động liên tục giảm mạnh đã gây tác động lớn đến mặt bằng lãi suất, sau cam kết của một số ngân hàng lớn về việc triển khai giảm lãi suất cho vay, hiện nhiều nhà băng đã bắt tay vào điều chỉnh giảm mức lãi suất này.

Tại ngân hàng Sacombank đã điều chỉnh giảm 0,4 điểm % mức lãi suất cho vay so với hồi đầu năm, áp dụng với các kỳ hạn từ 4 tháng trở lên. Trong đó, lãi suất cơ sở ở kỳ hạn 4-6 tháng hiện đang niêm yết ở 9,5%/năm; 7-9 tháng niêm yết ở 9,6%/năm; 10-12 tháng niêm yết ở 10%/năm. Còn ở kỳ hạn dưới 4 tháng, Sacombank hiện giữ nguyên mức lãi suất cơ sở là 6,3%/năm.

Vào ngày 27/5 vừa qua, ngân hàng ABBank cũng đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đối với các chương trình cho vay ưu đãi phân khúc khách hàng cá nhân. Cụ thể, ABBank điều chỉnh giảm 1 - 1,5%/năm đối với cho vay ưu đãi ngắn hạn (mục đích vay vốn phục vụ bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh); lãi suất cho vay từ 7,6%/năm và giảm 1-2%/năm đối với cho vay ưu đãi trung hạn; lãi suất cho vay giảm xuống còn từ 11%/năm.

Tương tự, MSB cũng là ngân hàng điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân vay có tài sản đảm bảo xuống 0,5 điểm % (đối với vay ngắn hạn, trung, dài hạn).

Sau khi giảm, lãi suất cơ sở niêm yết cho khoản vay thế chấp ngắn hạn là 10,1%/năm và lãi suất cơ sở cho khoản vay thế chấp trung - dài hạn là 11,1%/năm.

Đồng thời, MSB cũng điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở đối với các khoản vay không có tài sản đảm bảo xuống 1%. Sau giảm, lãi suất cơ sở đối với khoản vay tín chấp ngắn hạn là 16,5%/năm và lãi suất cơ sở đối với khoản vay tín chấp trung - dài hạn là 17%/năm.

Hiện 3 ngân hàng khác là SCB, Techcombank và TPBank cũng thông báo đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống vùng 8,8-12%/năm. Trong đó, SCB niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng là 10%, trung và dài hạn 360 tháng là 9,86%.

Techcombank có thông báo điều chỉnh lãi suất cơ sở vào ngày 31/5 với mức lãi suất tham chiếu cho khách hàng cá nhân đối với các khoản vay bất động sản, ôtô, tiêu dùng thế chấp là 8,8%/năm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, Techcombank điều chỉnh lại từ ngày 25/5, mức lãi suất cơ sở ngắn hạn dưới 12 tháng hiện áp dụng là 10,53-11,63%/năm; lãi suất cơ sở trung dài hạn là 12,1-13,9%/năm.

Với ngân hàng TPBank, kể từ ngày 1/6, ngân hàng này sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm mức lãi suất cơ sở thêm 0,2 - 0,5 điểm % áp dụng cho tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất.

Còn với các khoản vay mới, TPBank đang áp dụng ưu đãi giảm lãi suất lên tới 3,6%/năm. Khi khi vay mua nhà, mua ô tô hay vay để kinh doanh, các khoản vay mới của khách hàng cá nhân đều được giảm từ 1 - 2%/năm lãi suất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vàng 'án binh' chờ tín hiệu mới

Vàng 'án binh' chờ tín hiệu mới

Trong khi giá vàng thế giới hôm nay tiếp tục đi xuống do áp lực chốt lời sau khi tăng lên, giá vàng SJC trong nước ổn định ở ngưỡng 80 triệu đồng/lượng chờ tín hiệu mới từ chính sách và thị trường.