Cảng Cái Cui được kỳ vọng phát triển thành 'chợ' container của khu vực ĐBSCL

logistics CẦN THƠ
21:44 - 30/03/2022
Cảng Cái Cui được kỳ vọng phát triển thành 'chợ' container của khu vực ĐBSCL
0:00 / 0:00
0:00

Các doanh nghiệp mong muốn có một cảng đủ tầm cỡ ở Cần Thơ có khả năng tiếp cận hàng hóa 10 tỉnh ĐBSCL. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn kỳ vọng cảng container chuyên dụng Cái Cui có thể đóng vai trò đó trong tương lai.

Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp tại Đồng Bằng sông Cửu Long dưới góc độ logistics" ngày 30/3, ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết: "Tỷ lệ hàng hóa lưu thông qua các cảng khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 3% trong tỷ trọng hàng hóa lưu thông của cả nước trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu của vùng là vô cùng lớn".

Ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

"Hầu hết lượng hàng hóa của chúng ta đều đẩy đi các cảng ở TP HCM, Cái Mép, Cát Lái. Nếu như có một hệ thống cảng biển, kho bãi ngay tại khu vực thì chi phí sẽ giảm, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp" ông Lam nói.

Vì vậy, rất cần một hệ thống cảng biển hiện đại, để thu hút các doanh nghiệp vùng ĐBSCL xuất, nhập hàng ngay tại khu vực.

Đồng tình với ông Lam, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ: "Các doanh nghiệp mong muốn có một cảng đủ tầm cỡ ở Cần Thơ để từ đó có khả năng tiếp cận hàng hóa 10 tỉnh ĐBSCL. Giảm bớt chi phí vận chuyển, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thủy sản, nông nghiệp."

Ảnh tác giả

"Các doanh nghiệp mong muốn có một cảng đủ tầm cỡ ở Cần Thơ để từ đó có khả năng tiếp cận hàng hóa 10 tỉnh ĐBSCL. Giảm bớt chi phí vận chuyển, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thủy sản, nông nghiệp."

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký hiệp hội VASEP

Theo Bộ Giao thông vận tải, có đến 80% hàng hóa tại khu vực ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu để đến các cảng khu vực TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu để xuất khẩu do giao thông đường thủy nội địa thiếu đầu tư trầm trọng.

Vùng ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng,… Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TPHCM để xuất đi các nơi.

Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TPHCM và Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Vì vậy, nếu như cảng Cái Cui ở Cần Thơ có thể phát triển mạnh hơn, đáp ứng được các nhu cầu về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp thì sẽ là một tín hiệu tốt cho ngành vận tải tại khu vực ĐBSCL.

Ở góc độ nhà phát triển cảng biển, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết đã có sự hợp tác cùng địa phương tập trung đầu tư vào hạ tầng logistics tại khu vực. Điển hình là cảng Cái Cui - hiện nay đang là cảng lớn nhất của ĐBSCL với 180m cầu cảng, có thể đón được tàu 20 vạn tấn giảm tải với thiết bị phục vụ xếp dỡ hiện đại.

Ông Đặng Anh Diệp, Phó giám đốc chi nhánh Tân cảng ĐBSCL cho biết, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã thực hiện đầu tư vào cảng Cái Cui từ năm 2016. Hiện tại, tân cảng Cái Cui đã kết nối được hàng "door to door" đi quốc tế như tuyến Cần Thơ đi Phôm Pênh, Sihanoukville Campuchia hay từ Cần Thơ đi cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh sang Lào.


Ông Đặng Anh Diệp, Phó giám đốc chi nhánh Tân cảng ĐBSCL. Ảnh: BTC

Ông Đặng Anh Diệp, Phó giám đốc chi nhánh Tân cảng ĐBSCL. Ảnh: BTC

"Bên cạnh đó, tân cảng Cái Cui cũng đã thành công trong việc cấp booking (việc chủ hàng đặt chỗ với hãng tàu vận chuyển quốc tế) và xuất master bill (Vận đơn đường biển cho hãng tàu phát hành) cho doanh nghiệp ngay tại Cần Thơ bằng việc đưa hãng tàu quốc tế Maersk Line về mở code và tăng container rỗng tại Tân cảng Cái Cui từ tháng 7/2021" ông Diệp nói.

"Năm 2022 Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đặt mục tiêu không chỉ mình Maersk Line mà sẽ là hãng tàu COSCO, Yangming, Evergreen, ONE sẽ lần lượt tham gia mở code rỗng tại tân cảng Cái Cui và đưa tân cảng Cái Cui trở thành chợ container rỗng và điểm trung chuyển trong khu vực trước khi đưa tàu tuyến Nội Á vào đây", ông Diệp nói.

Ông Diệp cũng cho biết thêm, khi tuyến luồng Định An và kênh Quan Chánh Bố được khơi thông thì năm 2023 sẽ là năm bản lề để Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đưa tàu feeder (loại tàu container chuyên biệt dùng làm trung gian chuyển hàng cho các tàu khác) tuyến Nội Á về cập bến ĐBSCL.

Cùng ý kiến, ông Đinh Xuân Khánh, giám đốc công ty cổ phần vận tải thủy Tân cảng cũng khẳng định "Nếu khơi thông luồng Định An thì chắc chắn Tân cảng cùng các doanh nghiệp sẽ bắt tay nhau đưa tàu feeder quốc tế cập thẳng tân cảng Cái Cui, tiết kiệm hàng hóa đi đến nơi tiêu dùng nhanh hơn"

Về phía hãng tàu vận chuyển, ông Hoàng Cao Đỉnh, quản lý bán hàng hãng tàu Maersk Line thông tin, để vận chuyển container rỗng từ TP.HCM về ĐBSCL để đóng hàng mất 2-3 ngày. Tuy nhiên, khi mở code và đặt contanier rỗng ngay tại cảng Cái Cui thì sản lượng hàng hóa vận chuyển của hãng đã tăng lên gấp 3 so với sản lượng ban đầu và chạm được mức cung ứng tối đa của cảng, đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Ảnh tác giả

Maersk Line mong muốn trong năm 2022 sẽ mở thêm dịch vụ logistics như cảng Cái Cui tại Long An và Đồng Tháp.

Ông Hoàng Cao Đỉnh, quản lý bán hàng hãng tàu Maersk Line

Để phát triển hơn trong năm 2022 Maersk Line đề nghị phía Cảng Cái Cui sẽ đầu tư thêm về năng lực sửa chữa container rỗng, năng lực sà lan và năng lực đóng hàng.

Kỳ vọng nhiều hơn vào năng lực của cảng Cái Cui, ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đánh giá rất cao hãng tàu Maersk Line đã tiên phong tại vùng ĐBSCL, đồng thời cũng nhấn mạnh trong tương lai Tân cảng Sài Gòn cần mời thêm các hãng tàu lớn mở rộng thị trường tại vùng ĐBSCL làm thủ tục và giao hóa đơn ngay tại ĐBSCL.

Với những lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng kinh tế sẵn có, hoạt động xuất nhập hàng diễn ra liên tục, thường xuyên, Cảng Cái Cui được kỳ vọng phát triển thành "chợ" container của khu vực ĐBSCL, qua đó thu hút các đội tàu lớn của thế giới, tạo điều kiện cho loại hình dịch vụ vận chuyển container hàng xuất khẩu ngày một phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.