Căng thẳng Nga - Ukraine tác động thế nào tới lợi nhuận ngành ngân hàng

TÀI CHÍNH Việt nAM
15:42 - 03/03/2022
Căng thẳng Nga - Ukraine tác động thế nào tới lợi nhuận ngành ngân hàng
0:00 / 0:00
0:00
Gần đến mùa đại hội cổ đông thường niên, một số ngân hàng bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022, tuy nhiên vẫn cần đánh giá thêm tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để triển khai hoạt động hiệu quả cho ngành ngân hàng.

Nhiều ngân hàng vẫn đặt mục tiêu lớn về lợi nhuận

Đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam dần khởi sắc trở lại khi các hoạt động kinh doanh, sản xuất đang dần được khôi phục trở lại sau đại dịch. Bên cạnh đó là các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được nhà nước tiến hành nghiên cứu và triển khai tới các doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là một động lực lớn khiến các ngân hàng lạc quan hơn với tình hình kinh doanh năm nay.

Tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 12%, tương đương hơn 30.600 tỷ đồng. Đây tiếp tục là con số lợi nhuận cao kỷ lục trong toàn hệ thống.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng trong năm nay, tăng trên 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu quy mô tài sản đạt 233.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2021. Cùng với lợi nhuận trước thuế dự kiến là 6.800 tỷ đồng, tăng gần 34% so với năm 2021 và tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đề ra mục tiêu tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.

Ở nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, triển vọng kinh doanh năm 2022 có phần khiêm tốn hơn so với các nhà băng khác. Ngoài Vietcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ tăng tối thiểu 12%, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn với kỳ vọng, với lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%. Với mức này lợi nhuận trước thuế kế hoạch dao động trong khoảng 19.348 - 21.107 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đã có định hướng, kế hoạch phát triển cho cả năm 2022

Nhiều ngân hàng đã có định hướng, kế hoạch phát triển cho cả năm 2022

Biến số ảnh hưởng tới các ngân hàng

Theo thống kê tại 27 ngân hàng niêm yết, lợi nhuận thu được trong năm 2021 đạt 146.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó phần lớn thu nhập nhờ vào lãi ròng và chí phí tăng cao. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp các ngân hàng củng cố đà tăng trưởng trong năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với các ngân hàng trong thời gian tới.

Báo cáo chiến lược tại Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) ước tính trong tháng 3, lãi suất cho vay tại các ngân hàng sẽ rơi vào khoảng 6,2% và lãi suất huy động khoảng 3,0%. Do đó, nếu như lạm phát năm 2022 tăng 4% thì mức lãi suất cho vay và huy động thực tế cũng sẽ tăng lên 10% và 6% so với 2021. Tuy nhiên, MBKE kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức vừa phải dưới 4% và sẽ không có đợt tăng lãi suất đáng kể nào trong năm nay.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP là một trong những chỉ tiêu giám sát chính của Ngân hàng Nhà nước, nhất là khi Việt Nam vừa trải qua một năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ lãi suất ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài những yếu tố nội tại tác động tới ngành ngân hàng và tình hình kinh tế trong nước, ngành ngân hàng cũng có thể sẽ phải trải qua đợt thử thách mới đến từ xung đột căng thẳng Nga và Ukraine.

Mới đây nhất, việc Nga bị hạn chế tiếp cận hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh toán của quốc gia này mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện chủ yếu được xử lý bằng Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, việc xử lý qua hệ thống SWIFT hiện là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác. Do đó khi Nga bị loại ra khỏi SWIFT thì sẽ rất khó khăn, nhưng sẽ có các giải pháp. Với mức độ phát triển công nghệ như nước Nga, các ngân hàng sẽ có sự chủ động tìm ra giải pháp. Cùng với đó, các tổ chức tài chính khác khi giao dịch với Nga cũng chủ động để giao dịch được quay trở lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp