Xung đột Nga - Ukraine lại thổi lửa vào chứng khoán Việt, nhóm ngân hàng thiệt hại nhất

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:37 - 02/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh bóng ma lạm phát rình rập do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, niềm tin của nhà đầu tư dành cho nhóm ngân hàng đã không còn vững vàng. Dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm trụ chính này khiến VN-Index hôm nay giảm điểm sâu.

Kết phiên 2/3, nhóm ngân hàng chỉ còn hai cổ phiếu giữ được sắc xanh là SSB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) và KLB của Ngân hàng Kiên Long, với tỷ lệ tăng lần lượt là 2,4% và 0,4%. Nếu SSB duy trì đà tăng từ đầu phiên thì KLB được “giải cứu” vào phút chót. Trong phiên hôm qua, SSB cũng là mã bank tăng mạnh nhất với tỷ lệ +4,2%.

Ngược lại, ngoài BAB, SGB và VCB đứng giá thì các mã còn lại đều đổ đỏ với tỷ lệ giảm khá lớn: EIB -5,5%, MBB -4,4%, STB -4,3%, HDB -4,2%, CTG -3,9%, MSB -3,8%, BID -3,7%, LPB -3,4%...

Bank cũng là nhóm đóng góp nhiều mã “nặng vía” nhất khiến VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm sâu. Chỉ số sàn HoSE kết phiên ở mốc 1485.52, tương đương với giảm hơn 13 điểm so với hôm qua. VN30 còn thảm hơn khi giảm tới 21,5 điểm, thủng mốc 1.500. HNX-Index và UPCoM giảm nhẹ hơn khi chỉ mất đi 1,3 và 0,5 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 35.657 tỷ đồng, cao hơn 4.000 tỷ đồng so với hôm qua.

VN30 giảm điểm sâu do ngoài các mã bank thì nhiều mã lớn khác cũng bị “xả”. Điển hình là bộ ba nhà Vingroup. VIC mới được cứu trong phiên hôm qua nhưng con đường chinh phục đỉnh cũ vẫn khá gian nan khi hôm nay lại -0,4%. VHM giảm 0,5% trong khi người “em út” VRE thiệt hại nhất với tỷ lệ -2,1%. Các blueschip ở chiều giảm còn có SSI -2,6%, PNJ -1,6%, BVH -1,3%, MWG -1,1%, GVR -0,8%...

Các mã lớn hiếm hoi ở chiều tăng giá là GAS +1,3%, MSN +0,3%, NVL +1,3%, PDR +3,2%, PLX +0,3%, SAB +1,5%, VJC +2,9%.

Giới đầu tư cho rằng, việc Mỹ, EU và các nước đồng minh cấm vận, trừng phạt Nga - quốc gia đang xuất khẩu phần lớn dầu khí, khí đốt, than đá… sẽ là một cú đổ dầu vào ngọn lửa lạm phát vốn đang trực chờ bùng lên. Thực tế tại Việt Nam, giá xăng dầu hôm qua (1/3) đã được điều chỉnh lên mức cao nhất lịch sử. Nếu xung đột tiếp tục kéo dài, việc cả thế giới phải đối mặt với một thời kỳ siêu lạm phát là rất có thể xảy ra. Lúc đó, không chỉ Nga mà sẽ còn có rất nhiều Ngân hàng Trung ương buộc phải tăng lãi suất sớm hơn và quyết liệt hơn, làm tổn thương đến đà hồi phục kinh tế và thị trường chứng khoán.

Ngoài nhóm ngân hàng, nhiều nhóm ngành chủ chốt khác cũng ghi nhận tình trạng đỏ nhiều hơn xanh. Nhóm chứng khoán vẫn ghi nhận OGC tăng trần, 6 mã tăng giá là BVS, CSI, DSC, IVS, SBS, TVC. Trong đó BVS đạt được mức tăng tốt nhất +8,1%, TVC +3,2%, SBS +2,1%. Còn lại các mã ở chiều giảm mạnh nhất chỉ hơn 3% là VND và BSI.

Bất động sản và xây dựng mới hồi phục hôm qua nhưng hôm nay lại tiếp tục lao dốc với 2 mã giảm sàn, 124 mà giảm giá; áp đảo so với 72 mã ở chiều tăng. Ngoài 3 mã họ nhà Vin thì nhiều mã lớn khác cũng bị bán mạnh hơn mua như SSH -1,8%, THD -1%, KBC -2,4%, VCG -2,6%, CEO -2,5%, ITA -1,2%, HDG -0,8%, TCH -2,1%, VPI -1,4%, NLG -1,2%, REE -1%...

Ngược lại các mã tăng trần và tăng mạnh chủ yếu là các mã nhỏ như TA6 +14%, VIW +11%, GTS +10%, CI5 +8,3%, CC4 +7,8%, SJE +7,3%, SJG +6,7%... Các mã lớn ngoài NVL, PDR thì BCM cũng tăng được 2,1%, DIG +0,3%, DXG +0,7%, HUT +1,4%, SCR +1,8%...

Nhóm thép cũng chỉ còn HSG và NKG giữ được đà tăng. HPG đứng giá còn các mã khác đều quay đầu giảm.

Hai nhóm liên quan đến tài chính giảm mạnh nhất trong phiên hôm nay. Vietstock

Hai nhóm liên quan đến tài chính giảm mạnh nhất trong phiên hôm nay. Vietstock

Ngôi sao trên sàn hôm nay tiếp tục gọi tên hai nhóm ngành chịu tác động mạnh từ xung đột Nga - Ukraine: Dầu khí và phân bón. Dầu khí có PTV và PVC tăng trần, POS +7,8%, PVS +6,6%, PVB +4,5%, OIL +3%, BSR +2,9%... Phân bón có SFG tiếp tục tăng trần như phiên hôm qua. DCM +5,6%, DPM +5,3%, CSV +2,6%, BFC +3%, DGC +1,7%...

Nhóm dầu khí tiếp tục bật tăng mạnh sau vài phiên giảm nhiệt do lực bán chốt lời, nguyên nhân là do giá dầu lại lập đỉnh mới trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine ngày càng căng thẳng. Chốt phiên 2/3, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng vọt 6,5% lên mức 111,18 USD/thùng. Trước đó chỉ vài giờ, giá dầu Brent cũng vượt mốc 110 USD/thùng. Cả hai chỉ số này đều là mức cao nhất kể từ năm 2014.

Theo tin mới nhất từ Cơ quan Năng lượng quốc tế, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí mở kho dự trữ dầu để bổ sung 60 triệu thùng cho thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đang trông chờ cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), trong đó có Nga, về chiến lược khai thác dầu trong tương lai.

Tuy nhiên mối lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga vẫn chưa thể giảm, đặc biệt là khi Công ty vận hành dự án Nord Stream 2 - thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom (Nga) thông báo phá sản hôm 1/3 do một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục một phiên bán ròng kỷ lục với tổng giá trị bán là 2.270 tỷ đồng trong khi mua vào chỉ đạt 1.099 tỷ đồng. HDB và HPG là hai mã bị nhà đầu tư nước ngoài “xả” mạnh nhất với giá trị 153 và 130 tỷ đồng. Các mã CTG, KBC, VND, VIC, NLG cũng bị bán ròng nhiều. Lực mua yếu ớt của khối ngoại hôm nay tập trung vào DGC, NKG, PVD, VCB…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.