Tổng Giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân. Ảnh: FiinGroup |
Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam ngày 22/11, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinGroup nhận định, 2 năm Covid-19 nếu không có trái phiếu thì thị trường vốn và doanh nghiệp sẽ thực sự khó khăn, chưa cần phải đợi đến lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Theo FiinGroup, trong 2 năm 2020-2021, tổng lượng tiền huy động từ trái phiếu khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Riêng năm 2021 khoảng 670.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng tăng trưởng 14-15%, cộng thêm 3-4% từ trái phiếu cho thấy cung tiền tăng khá tương đối. Điều này được cho là cần thiết nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, khi doanh nghiệp đặc biệt khó khăn về thanh khoản.
Theo ông Thuân, hiện tại quy mô của thị trường trái phiếu chủ yếu là trái phiếu riêng lẻ. Tính đến 30/9/2022, tổng trái phiếu nội tệ đang lưu hành khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD), chiếm 13% GDP.
Trong đó, trái phiếu ngân hàng chiếm 391.000 tỷ đồng (16 tỷ USD), chiếm 32%. Trái phiếu phi tài chính chiếm 908.000 tỷ đồng (37 tỷ USD), chiếm 67%; trong đó các ngân hàng nắm giữ khoảng 12 tỷ USD tính đến ngày 30/6/2022.
Trong trái phiếu phi tài chính, trái phiếu bất động sản ước tính trị giá 455.000 tỷ đồng (18,5 tỷ USD).
Đối với trái phiếu ngân hàng, ông Thuân nhận xét hầu hết rất ổn, bởi cơ cấu nguồn thu ngân hàng đã thay đổi nhiều. Trái phiếu ngân hàng thời gian qua chủ yếu bị ảnh hưởng bởi vấn đề niềm tin sau những vụ vi phạm chứ không phải chất lượng tín dụng suy giảm.
Tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp nội địa Việt Nam. |
Về cầu, theo Tổng Giám đốc FiinGroup, trái phiếu Việt Nam quá ít người chơi, chủ yếu là ngân hàng, chứng khoán. Vấn đề lớn nhất trong quá khứ là phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, đây chính là lỗ hổng về chính sách mà Nghị định 65 mới đây đã “vá” lại.
“Nhiều ý kiến có thể không đồng ý với tôi, nhưng với nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam, trình độ hiểu về sản phẩm đầu tư phức tạp như trái phiếu không dễ”, ông Thuân nhận định.
Hiện tại, Tổng Giám đốc FiinGroup nhận định, thị trường trái phiếu đã chuyển từ giai đoạn tăng trưởng rất mạnh (bình quân 45% trong 5 năm) sang giảm và đến nay là đóng băng. Vấn đề này tác động rất lớn đến doanh nghiệp, lan sang cả cổ phiếu, thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ…
Trong ngắn hạn, ông Thuân đánh giá áp lực nguồn vốn từ nay đến cuối năm tương đối thấp, số lượng doanh nghiệp nếu mất thanh khoản chỉ khoảng 3-4 doanh nghiệp, tương ứng khoản chi trả 23.000 tỷ đồng. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn hầu hết đều ổn.
Tuy nhiên, áp lực sẽ lớn hơn vào hai năm sau nếu thị trường trái phiếu vẫn đóng băng, tín dụng không gỡ được, các kênh khác không có và đặc biệt trong môi trường lãi suất cao.
Rủi ro lớn nhất là trái chủ cá nhân
Về những rủi ro liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tổng Giám đốc FiinGroup cho biết có 3 rủi ro ở mức độ cao. Một là trái phiếu tư nhân được nắm giữ bởi các trái chủ với tư cách cá nhân ở quy mô lớn (ước tính 33% giá trị lưu hành và có khoảng 300.000 người nắm giữ).
Các trái phiếu này có mức độ minh bạch tài chính/thông tin sản phẩm yếu; được bán bởi các tổ chức trung gian. Điều này tác động đến niềm tin của công chúng không chỉ với phát hành trái phiếu mới, mà còn cả thị trường chứng khoán. Việc tái cấp vốn không thể được thực hiện theo các đợt chào bán công khai ngay cả với các tổ chức phát hành tín dụng tốt.
Nhà đầu tư tại đợt phát hành sơ cấp. |
Thứ hai là rủi ro vỡ nợ trái phiếu và vi phạm chéo. Với các tổ chức phát hành lớn, thu nhập giảm cùng với chất lượng tín dụng xấu đi; bên cạnh đó là tạm ngưng phát hành mới trước áp lực nợ đến hạn lớn. Vi phạm chéo khi ngân hàng có tư cách là nhà đầu tư ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng (mặc dù mức độ rủi ro không đáng kể, < 3% tài sản thu nhập lãi).
Thứ ba là khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nợ của ngân hàng xấu đi.
Trước những rủi ro trên, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng giải pháp cấp thiết trong ngắn hạn là phải rà soát đặc biệt đối với các tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân. Hướng dẫn rõ ràng về việc cơ cấu lại nợ, đánh giá rủi ro đối với ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế, cân bằng giữa công bố thông tin công khai và tái cơ cấu tư nhân.
Đối với chương trình tín dụng bất động sản, ông Thuân cho rằng cần giới thiệu chương trình tín dụng nhà ở dành cho người mua nhà và bất động sản dưới dạng “Kiểm soát tín dụng một chu kỳ” (Ngân hàng -> người mua nhà -> chủ đầu tư -> ngân hàng). Đặt thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đủ điều kiện làm tổ chức thực hiện.
Đồng thời cần thúc đẩy trái phiếu phát hành công khai với việc phê duyệt dễ dàng; gia tăng sự công khai, bao gồm xếp hạng công khai. Chính phủ có thông điệp mạnh mẽ hơn để khôi phục niềm tin của thị trường nợ với kế hoạch hành động cụ thể, cập nhật tiến độ.
Nợ đến hạn của các tổ chức phát hành bất động sản. |
Trong trung hạn thì theo ông Thuân, cần tăng cường minh bạch thông tin (chế độ công khai đối với chủ nợ; quy trình bán trái phiếu, tăng cường thực thi xếp hạng tín dụng và thiết lập mô hình đơn vị định giá trái phiếu); ra mắt thị trường thứ cấp tập trung; giáo dục thị trường (công chúng, các nhà đầu tư đủ điều kiện và tổ chức); mở rộng các nhà đầu tư cơ sở...