Chủ tịch QH: 'Cần nhận diện điểm nghẽn khiến lao động chưa quay lại thị trường'

LAO ĐỘNG Việt nAM
13:20 - 18/09/2022
Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra vấn đề số người mất việc làm thấp nhưng số người lao động tham gia vào thị trường cũng thấp, phải chăng đang có một bộ phận lao động "khu trú ở đâu đó" mà chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường lao động?

Tại Phiên thảo luận với chủ đề Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 ngày 18/9, các đại biểu trình bày các tham luận đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi KT-XH

Ông Lâm Văn Đoan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dẫn báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện lực lượng lao động tăng trở lại, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 giảm dần. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (lần lượt tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,6 triệu người) và giảm nhẹ ở nông thôn (0,06 triệu người).

Trong quý II/2022, cả nước chỉ còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, giảm hơn một nửa so với quý trước (tương ứng giảm 8,9 triệu người) và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý II/2022, số người thất nghiệp là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất cả nước, mặc dù xu hướng chung là giảm dần.

Trong quý II/2022, số người thiếu việc làm trong độ tuổi là khoảng 881,8 nghìn người, giảm 447,1 nghìn người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

TS. Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022.
TS. Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022.

Lao động chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

Tuy đã có những tín hiệu tích cực, nhưng nhìn nhận về thị trường lao động Việt Nam, ông Đoan cho rằng chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm, cả về ngành nghề và địa bàn đều không theo kịp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

"Trình độ và kỹ năng lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất", ông Đoan nói. Ông cũng cho biết hiện cả nước mới có 66% lao động qua đào tạo.

Giữa hai khu vực thành thị và nông thôn, cơ cấu lao động cũng có sự chênh lệch lớn, khi hơn 60% lực lượng lao động vẫn tập trung chủ yếu ở nông thôn. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao.

Cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động có sự khác nhau giữa các ngành, trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo (khoảng 95%), lao động từ đại học trở lên chưa đến 1%. Ngành thương mại – dịch vụ có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn 2 ngành còn lại (45,4%).

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời còn xảy ra trong một số ngành, lĩnh vực. Theo ông Đoan, tại một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra mất cân đối cung – cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, như du lịch, giáo dục…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn. Ảnh: Quochoi.vn

Nhận diện điểm nghẽn của thị trường lao động

Lắng nghe báo cáo của đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình lao động Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt ra vấn đề là số người mất việc làm thấp nhưng người tham gia vào thị trường lao động cũng thấp, một số ngành đang thiếu cục bộ về lao động. Ông cho rằng, phải chăng đang có một bộ phận lao động "khu trú ở đâu đó" mà chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường lao động sau khi bị tác động bởi đại dịch?

Chủ tịch Quốc hội dẫn một ví dụ cụ thể là khi đi vào các trung tâm du lịch, lao động rất thiếu, giám đốc nhân sự còn phải đi làm phục vụ. Trong khi đó, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lại rất thấp, vậy cần phải làm rõ bộ phận lao động đang khu trú ở đâu?

Chủ tịch Quốc hội gợi mở vấn đề trên và đề nghị Bộ lao động Thương binh và Xã hội cần nghiêm túc nghiên cứu xu hướng lao động này.

Tình hình giải ngân Nghị quyết 43 hỗ trợ người lao động

Đến tháng 9, gần 13 triệu lao động đã được hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 với số tiền 30.800 tỷ đồng; hơn 346.000 doanh nghiệp được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động với trên 7.500 tỷ đồng. Hơn 3.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động đã được giải ngân.

Cụ thể, với chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động hiện đã có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ (3 tỉnh không có đối tượng là Lai Châu và Điện Biên, Cao Bằng). Đến ngày 10/9/2022, đã có 129 lượt doanh nghiệp với 5.373.312 lượt lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ là hơn 3.801,8 tỷ đồng, tương đương với 58,58% so với kinh phí dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu.

Đã thẩm định, phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ tương đương 97,61% so với số hồ sơ đã tiếp nhận đề nghị). Số tiền đã giải ngân đạt 86,91% so với số kinh phí đã tiếp nhận đề nghị, đạt 50,91% so với dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu.

Thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 11/9/2022, tổng dư nợ đạt 10.186 tỷ đồng (hoàn thành 26,5% chỉ tiêu kế hoạch được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP trong 02 năm). Trong đó dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 7.000 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội đạt 2.241 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên mua máy tính đạt 753 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 181 tỷ đồng; cho vay vùng DTTS&MN theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 11 tỷ đồng.

Đọc tiếp