Chứng khoán tuần qua: Bank hồi phục, dầu khí thành điểm sángcổ

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
23:35 - 25/12/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Tuần từ 20-24/12 ghi nhận sự biến động mạnh của VN-Index, đặc biệt là kỷ lục thanh khoản vào ngày 23/12 do 700 mã chìm trong sắc đỏ. Nhóm ngân hàng có vẻ bi đát nhất nhưng bất ngờ đảo ngược tình thế sau phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên cuối tuần vào ngày Noel, VN-Index tăng 1.38%, ở mức 1,477.03 điểm; HNX-Index giảm 0.68%, lên mức 445.61 điểm. Như vậy tính cả tuần, VN-Index giảm nhẹ 0.19%, HNX-Index giảm mạnh tổng cộng 2.32%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE là hơn 974 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 7.17% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 130 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 11.45%.

Dù có hai phiên biến động mạnh nhưng xu hướng đi ngang của VN-Index vẫn tiếp tục được thể hiện rõ. Cụ thể, ở phiên đầu tuần, VN-Index giảm nhẹ 2.46 điểm. Hai phiên liền kề sau đó, VN-Index tăng giảm xen kẽ quanh mốc tham chiếu và gần như chỉ đứng yên một chỗ. Hai phiên cuối tuần là biến động nhất. Nếu 23/12, VN-Index đột ngột tụt sâu hơn 20 điểm thì 24/12 lại tăng trở lại hơn 20 điểm, đưa thị trường quay về lại vạch xuất phát. Xét cho cả tuần, VN-Index chỉ giảm nhẹ 2.76 điểm.

Một mã bank tăng 20%

Ở chiều tăng, bứt phá mạnh mẽ nhất phải kể đến là nhóm ngân hàng. Trong nhiều tuần gần đây, nhóm này khiến nhà đầu tư hết sức lo lắng khi liên tục lẹt đẹt. Thậm chí suốt 4 phiên đầu tuần, nhóm bank cũng vẫn bị sắc đỏ nhấn chìm. Tình thế chỉ đảo ngược ở phiên ngày thứ Sáu.

Nhóm bank ghi nhận tăng công lớn là nhờ EIB (Eximbank) khi tăng tới 20%. Khối lượng giao dịch của EIB cũng tăng mạnh, với hơn 15 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tăng 66% so với tuần trước. Điều này diễn ra trong bối cảnh Eximbank chuẩn bị bầu nhân sự HĐQT. Được biết, 22/12 là ngày cuối cùng ngân hàng này nhận hồ sơ đề cử nhân sự dự kiến vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngoài EIB, nhiều mã ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng là VCB (5,1%), SSB (4,8%), MSB (3,6%), VAB (3,4%)… Tuy nhiên, 16 mã vẫn ghi nhận giảm giá trong tuần khi sắc xanh ngày thứ 6 không đủ lực. Trong đó, 4 cổ phiếu giảm hơn 3% là OCB (-3,4%), SHB (-3,2%), BVB (-3,1%), PGB (-3%).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có pha lội ngược dòng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có pha lội ngược dòng.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng trở thành điểm sáng khi đồng loạt tăng giá. Theo đó, BSR, OIL, POS, PVB, PVD, PVC, PVD, PVS, TOS tăng rất mạnh; cao nhất là PVD tăng tới 6,9% lên giá trần.

Ở chiều ổn định, cổ phiếu ngành năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, thực phẩm, bán lẻ không có sự dao động quá lớn. Tuy nhiên trong các nhóm này có những mã góp mặt vào top 10 tăng mạnh nhất tuần. Như TTE (CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh) dẫn đầu với tỷ lệ tăng tới 39,56%; HNG (Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) tăng 20.67%.

Ở chiều giảm, nhóm ngành vật liệu xây dựng và chứng khoán vẫn khiến nhà đầu tư lo lắng nhất. Đặc biệt là chứng khoán. Nhóm này có một tuần giao dịch không thật sự thành công, giảm mạnh cả tuần ở mức 4.18%. Dù phần lớn các mã có mức tăng tốt ở phiên cuối tuần nhưng cũng không đủ để bù đắp những phiên giảm sâu vào giữa tuần. Cả tuần, có 23/25 mã cổ phiếu kết phiên tuần với mức giá thấp hơn tuần giao dịch trước đó. Cụ thể, SSI giảm 6.57%, HCM giảm 4.66%, SHS giảm 5.88%... Chỉ có 2 mã tăng là TVB (2.78%) và TVS (34.40%).

Đối với nhóm thép, việc đồng loạt tăng trong phiên thứ Sáu chưa đủ để phủ xanh cả tuần nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho nhà đầu tư. Bởi thời gian qua, cổ phiếu ngành này liên tục tụt giảm, có mã “bay hơi” hơn 30% so với thời kỳ lập đỉnh. Đặc biệt, có một mã thép có màn lội ngược dòng ngoạn mục. Đó là VGS của Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức. Trong phiên 22/12, VGS tăng 1% lên mức 50.000 đồng/cổ phiếu với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh, cuối tuần giảm còn 49.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp thép này. Hồi tháng 7, VGS chỉ có giá 14.000 đồng, tính ra tăng gấp 3,5 lần.

CEO bị khối ngoại “xả” hơn 900 tỷ đồng

Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giao dịch của khối ngoại có chiều hướng tích cực hơn khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 69,67 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 1.258 tỷ đồng; giảm 91,47% về khối lượng và hơn 38% về giá trị so với tuần trước (bán ròng 2.031,55 tỷ đồng). Cụ thể:

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 13,61 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 362,31 tỷ đồng, giảm 79,66% về lượng và 81,26% về giá trị so với tuần trước.

Tại sàn này, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã MSN với giá trị 377 tỷ đồng. HPG và CII đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 243 tỷ đồng và 155 tỷ đồng. Ở chiều mua, VHM được gom mạnh nhất với giá trị 445 tỷ đồng. VRE cũng được mua ròng 191 tỷ đồng; các mã CTG, VIC, VNM, DGC và HDB đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Diễn biến giao dịch khối ngoại trên HNX trong tuần qua.

Diễn biến giao dịch khối ngoại trên HNX trong tuần qua.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 4 phiên bán ròng và 1 phiên mua ròng duy nhất ngày 20/12. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 15,17 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 938,03 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần về lượng và 5,6 lần về giá trị so với tuần trước.

Mã bị “xả” mạnh nhất trên HNX là CEO. Cổ phiếu này bị bán ròng lên đến 925 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là SHS nhưng giá trị chỉ là 29 tỷ đồng. Trong khi đó, VCS được mua ròng mạnh nhất với 12 tỷ đồng; IDC và PVS đều được mua ròng trên 10 tỷ đồng.

Còn trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 273.090 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 42,34 tỷ đồng, giảm 72,79% về lượng và 1,17% về giá trị so với tuần trước.

Cổ phiếu TVS là mã ngành chứng khoán hot nhất tuần qua với đà tăng ấn tượng. Chốt phiên 24/12, mã này thiết lập đỉnh lịch sử 67.000 đồng/cp, tăng 34,4% giá trị so với đầu tuần. Sự “lạc lõng” của TVS trong nhóm chứng khoán là bởi thông tin MoMo đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ 2 tỷ USD của Việt Nam.

Theo đó, ngày 21/12, CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service - chủ quản của ví điện tử MoMo) đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5, nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD. Tại doanh nghiệp này, Chứng khoán Thiên Việt sở hữu hơn 918.000 cổ phiếu phổ thông, tương ứng gần 6% cổ phần.

Tin liên quan

Đọc tiếp