Cổ phiếu thép vẫn "đỏ rực", cháu trai Chủ tịch cũng muốn bán sạch vốn tại Pomina

Ngành Thép Việt nAM
10:36 - 23/12/2021
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu lo ngại khi cổ phiếu thép vẫn ảm đạm dù chỉ số VN-Index liên tục tăng. 

Cụ thể, ông Nguyễn Bạch Trường Chinh, cháu của ông Đỗ Văn Khánh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina vừa thông báo đăng ký bán ra toàn bộ hơn 2,4 triệu cổ phiếu POM (tỷ lệ 0,86%) đang sở hữu, mục đích để cơ cấu danh mục đầu tư cá nhân. Giao dịch sẽ thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ 27/12/2021 đến 24/1/2022.

Số liệu của POM đầu tháng 11 cho thấy, ông Trường Chinh tổng có 3,66 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,31%. Từ ngày 22/11 đến ngày 21/12, ông đã đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên kết thúc, ông chỉ bán được hơn 1,25 triệu cổ phiếu do không đạt được mức giá kỳ vọng.

Trên thị trường hiện nay, cổ phiếu POM giao dịch quanh mức 14.600 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giảm gần 30% so với đỉnh hồi tháng 5. Theo thị giá này, nếu bán hết số cổ phiếu nắm giữ, ông Trường Chinh sẽ thu về khoảng 35 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc giao dịch của ông Trường Chinh cũng được dự đoán là khó hoàn tất nếu muốn được giá cao. Vì trong lúc nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán “thăng hoa” theo nhịp chung của chỉ số VN-Index thì thép vẫn nằm trong số ít các nhóm đi ngược dòng khi liên tục rớt giá. Như trong phiên 22/12, đà rơi mạnh của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa chấm dứt khi hàng loạt mã vẫn chìm trong sắc đỏ. POM tiếp tục giảm 1,3%.

Dẫn đầu chiều giảm là NKG của CTCP Thép Nam Kim khi giảm 2,6% trong một phiên, từ mức đỉnh 56.000 đồng xuống 36.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 34%.

HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen) cũng giảm 1,4% trong phiên 22/12 về mức 34.350 đồng/cổ phiếu. Hồi tháng 10, HSG vẫn ở vùng giá đỉnh 49.850 đồng, nếu cổ đông mua vào thời điểm đó thì giờ tài khoản đã "bay hơi" 31%.

Hàng loạt cổ phiếu thép khác cũng đồng loạt giảm mạnh như TLH giảm 2,2%, SMC giảm 2,2%, TIS giảm 0,8%,... Đặc biệt, ngay cả “ông lớn” HPG (Tập đoàn Hòa Phát) cũng giảm 2,2% xuống 45.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản duy trì ở mức 24,6 triệu đơn vị. Hồi tháng 10, HPG vốn ở vùng đỉnh 58.000 đồng.

Sau cơn mưa, trời có sáng?

Sự lao dốc của nhóm cổ phiếu thép trong thời gian qua bắt nguồn từ xu hướng giảm của giá thép thế giới sau giai đoạn tăng phi mã.

Như ở Mỹ, giá thép HRC tăng mạnh từ năm ngoái đến đỉnh hồi cuối tháng 8 vừa qua nhưng bắt đầu có xu hướng giảm kể từ đó đến nay. Giá thép HRC ngày 19/11 tại khu vực này là 1.490 đô la Mỹ/tấn, giảm 45,6 đô la Mỹ/tấn, tương đương 2,97% so với mức giá cuối tháng 9.

Tại Bắc và Tây Âu, giá thép HRC cũng giảm từ mức 1.182 đô la Mỹ/tấn xuống còn 1.083 đô la Mỹ/tấn vào ngày 18/11, tương đương mức giảm 9%.

Tại công xưởng sản xuất 50% lượng thép thế giới – Trung Quốc, giá thép HRC đã giảm khoảng 20%. Nguyên nhân là giảm mạnh nhu cầu sản lượng, nhất là từ lĩnh vực xây dựng. Kèm theo đó, thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đang chững lại sau cú sốc “Evergrande” cùng với những biện pháp siết chặt từ chính phủ nước này.

Cổ phiếu ngành thép đỏ rực trong phiên 22/12.

Cổ phiếu ngành thép đỏ rực trong phiên 22/12.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá bán thép xây dựng trong nước điều chỉnh giảm từ 200.000-300.000 đồng/tấn vào đầu tháng 12, ở mức bình quân khoảng 15.900-16.000 đồng/kg. Trước đó, ngày 16/11, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng cũng điều chỉnh giảm giá với mức khoảng 300.000 đồng/tấn.

Phân tích từ VSA, Covid-19 kéo dài nên nhiều công trình bị tạm hoãn, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Dù hiện tại, các dự án đã được tái khởi động trở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Số liệu bán hàng thép trong tháng 11 cho thấy đạt 872.846 tấn, giảm 26,11% so với tháng trước và lao dốc 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Xu hướng giá giảm thép trong thời gian qua còn là do giá phế nhập và nội địa giảm góp phần khiến các nhà thương mại e dè mua hàng vào cuối năm.

Hiệp hội Thép nhận định sang năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, các nhà máy thép sẽ hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các công trình vận hành trở lại, mở cửa giao thương cũng là điều kiện tốt để giá thép phục hồi.

Nhìn một cách tích cực, tình trạng u ám thời gian qua của cổ phiếu thép có thể chỉ là diễn biến bình thường trên thị trường. Dòng tiền tạm thời rời nhóm thép để tìm đến các nhóm ngành “nóng” hơn như chứng khoán, bất động sản, phân bón, bán lẻ…

Thực tế các chuyên gia trước giờ đều đánh giá, thép là một cổ phiếu mang tính chu kỳ điển hình, do đó diễn biến giá cổ phiếu thường là những con sóng lớn với thời gian kéo dài có thể tính bằng năm. Với chu kỳ kinh tế hiện tại, nhà đầu tư vẫn có những cơ sở nhất định để kỳ vọng vào sự bứt phá của cổ phiếu thép trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.