Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, những năm trở lại đây, ngành logistics được chú trọng và có nhiều bước tiến triển, phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, công ty logistics ra đời ngày một nhiều, cải thiện về chất lượng, dịch vụ cũng như tạo được sự uy tín trong thị trường nội địa.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo. |
Cũng theo ông Hải, hạ tầng giao thông đang được cải thiện và ngày một hoàn thiện, tuyến Quốc lộ 1A và nhiều con đường được tu sửa, mở rộng, thông suốt là tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam, liên kết nhiều tỉnh thành.
Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo nguồn lực bị bào mòn, suy giảm vì Covid-19, trong khi đó hàng tồn kho tích trữ quá cao trong giai đoạn sau dịch. Đồng thời, xung đột Ukraine chưa nhìn thấy điểm dừng, hệ luỵ của xung đột vượt ra ngoài phạm vi các nước liên quan, trong đó có Việt Nam dẫn đến chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương.
Những điều đó đã tạo ra những khó khăn do ngành logistics ở Việt Nam được thành lập chưa lâu, quy mô nhân lực và vốn còn nhỏ. Cùng với đó là sự thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế do các doanh nghiệp chỉ tập trung kinh doanh thị trường nội địa, mới cung cấp dịch vụ logistics cơ bản, khả năng liên kết chưa cao.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, các yếu tố trên đã khiến ngành logistics Việt Nam đối diện với những nguy cơ tiềm tàng, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành, trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh với công cuộc chuyển đổi số.
Do đó, ông Hải kiến nghị cần cải thiện chính sách, hạ tầng, doanh nghiệp, công nghệ và đặc biệt là nhân lực.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong năm 2021 tại Việt Nam có 30.105 doanh nghiệp trong ngành logistics, trung bình khoảng 15 người/doanh nghiệp và có 452.560 người lao động trong các doanh nghiệp logistics. Tổng số lao động của ngành logistics năm 2021 là 593.190 người.
Tới năm 2030, nhu cầu nhân lực đối với các doanh nghiệp logistics là 865.777 lao động, nhân lực logistic đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là 218.163 người. Dự báo đến năm 2030 sẽ thiếu khoảng 490.750 người lao động trong ngành logistics.
Tại hội thảo, trình bày về yêu cầu tuyển dụng nhân lực ngành logistics, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, nhân lực ngành logistics đang đối mặt với áp lực chuyển đổi số cao, đòi hỏi nhân viên phải có kỹ năng IT tương ứng và đào tạo nhân sự đa nhiệm.
Cũng theo bà Hương, các kỹ năng mềm cần được quan tâm và phát triển là khả năng thích nghi với sự thay đổi, khả năng chịu được áp lực công việc cao. Bên cạnh đó, các nhân lực trong ngành cần có hiểu biết về an ninh và bảo mật dữ liệu; Khả năng xử lý và phân tích dữ liệu, thông tin trên máy tính; Khả năng học tập suốt đời.
Trong 2 năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao nhận, nhân viên hành chính, nhân viên khai báo hải quan, tài xế xe tải, nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên điều hành vận tải sẽ được chú ý.
"Về năng lực chung, 100% các vị trí đều cần được doanh nghiệp đào tạo lại, tuy nhiên, mức độ thích ứng sau đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng kiến thức và kỹ năng của các bạn sinh viên"
Cho ý kiến về vấn đề này, bà Phạm Lan Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho biết, kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng như khả năng học tập suốt đời, kỹ năng tổ chức công việc và quản trị thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và thương lượng, đàm phán.
Đặc trưng công việc trong ngành logistics là kiến thức đa dạng, thay đổi liên tục theo khách hàng và theo thị trường; Sự tương tác với nhiều đối tượng, đa chiều, đa góc; Thời gian linh hoạt theo từng khách hàng, dự án và đặc biệt cần tuân thủ KPI.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên đã, đang và có định hướng theo ngành logistics nên bắt đầu từ việc trang bị kỹ năng mềm, kiến tập, thực tập để nắm bắt thực tiễn hoặc tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm để có nhiều cơ hội học tập, kết nối công việc.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng nhấn mạnh, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong ngành logistics bởi thuật ngữ trong ngành nhiều, cơ hội học hỏi các nước, doanh nghiệp đi trước từ nước ngoài rất quan trọng.
Tại phiên thảo luận của tọa đàm, đối với câu hỏi của sinh viên về sức ảnh hưởng của việc bùng phát lại Covid-19 đối với ngành logistics trong tương lai, ông Nguyễn Khánh Thành, Phó Giám đốc CTCP ALP Logistics cho rằng, Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với Covid-19, vì vậy việc đại dịch có thể quay trở lại trong thời gian tới không gây ra ảnh hưởng quá nhiều đối với nền kinh tế nói chung, và ngành logistics nói riêng.
Giải đáp về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với vấn đề việc làm trong ngành logistics, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Sea Logistics Partners (SLP VN) cho biết, con người vẫn đóng vai trò chủ chốt, hiểu được dịch vụ, văn hoá doanh nghiệp để truyền tải đến khách hàng.
Bên cạnh đó, rất nhiều những câu hỏi về cơ hội việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp đối với sinh viên đã được đưa ra và được giải đáp bởi các chuyên gia.
Đặc biệt, bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu VALOMA cũng đã khẳng định rằng bên cạnh sự giúp đỡ của các thầy cô, các bạn cần chủ động tham gia CLB, đội nhóm, điển hình như Mạng lưới CLB Logistics Sinh viên Việt Nam (LCN) để mở rộng mạng lưới cá nhân, cập nhật những thông tin mới nhất về các chương trình tuyển dụng và kết nối doanh nghiệp.
Mạng lưới CLB Logistics Sinh viên Việt Nam (LCN) đã và đang trở thành một tổ chức uy tín, là sân chơi bổ ích dành cho các bạn sinh viên yêu thích ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng.
"Lối đi ở dưới chân mình, nếu các bạn sinh viên không chịu bước đi thì sẽ mãi mãi không tìm thấy doanh nghiệp, nhìn thấy cơ hội và đừng suy nghĩ những điều quá xa xôi, hãy bắt đầu ngay bây giờ từ những điều thực tế nhỏ nhất", bà Cao Cẩm Linh nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã chính thức tổ chức Lễ kết nạp Hội viên đối với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
TS. Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khẳng định, trong xu hướng phát triển không ngừng của ngành logistics, Học viện chắc chắn sẽ mở thêm chương trình đào tạo về ngành này, đồng thời đảm bảo chất lượng chương trình giảng dạy, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của thị trường dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam.
Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) trao giấy chứng nhận Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là hội viên. |
Trước đó, nhận thấy tiềm năng và mong muốn phát triển chuyên ngành logistics, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.