Chuyển đổi số trong du lịch: Một ứng dụng y tế chung cho ASEAN?

DU LỊCH asean
15:44 - 24/03/2022
Chuyển đổi số phục hồi ngành du lịch trong quá trình mở cửa
Chuyển đổi số phục hồi ngành du lịch trong quá trình mở cửa
0:00 / 0:00
0:00
Mở cửa du lịch trong bối cảnh bình thường mới đang đặt ra yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành này, trong bối cảnh du lịch không tiếp xúc đã trở thành thực tế hiển nhiên do tình hình dịch bệnh hiện nay.

Chuyển đổi số trong ngành du lịch có thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu. Trong khi đó, mô hình kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến ngày càng có phổ biến, như sự bùng nổ của các ứng dụng Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Klook...

Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào việc kinh doanh tour du lịch, booking thì chuyển đổi số còn phải chuyển đổi cả trong các thủ tục hành chính như nhập cảnh, đăng kí thị thực hay quan trọng hơn hiện nay là phát triển các ứng dụng "sức khỏe số", để giảm bớt thủ tục y tế, xét nghiệm đồng thời giúp nước sở tại có thể dễ dàng quản lý, đảm bảo sức khỏe của khách du lịch.

Tại hội thảo trực tuyến "Mở cửa trở lại hoạt động du lịch tại Việt Nam" ngày 23/3, các chuyên gia đều nhấn mạnh chuyển đổi số trong du lịch là điều tất yếu, vì vai trò của dữ liệu trong ngành du lịch đang đặc biệt quan trọng. TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Du lịch nhấn mạnh việc cần phải đẩy mạnh tiến trình số hóa trong ngành du lịch Việt Nam, từ đó đẩy mạnh truyền thông và quảng bá du lịch, tận dụng cơ hội mở cửa du lịch.

Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu.
Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu.

Theo ông Siêu, Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp thành viên của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN để đóng góp vào công tác truyền thông khôi phục du lịch trên nền tảng số. Các hoạt động này có thể kể đến như Chương trình truyền thông du lịch trên google "Việt Nam đi để yêu"; Dự án Google Art & Culture tôn vinh Kỳ quan Việt Nam; Dự án tìm kiếm số Google travel insights; Kết hợp với Agoda quảng bá chiến dịch mở cửa lại du lịch hay cấp phép cho Netfilx quay phim A Tourist's Guide to Love (Hướng dẫn du lịch cho tình yêu)...

Trong bài trình bày của mình, ông Jonh Mackenney giám đốc phụ trách chiến lược số công ty Adobe phân tích, có 65% thương hiệu du lịch hiểu năng lực số là yếu tố quan trọng đáp ứng yêu cầu của khách hàng hiện nay. Do đó chuyển đổi số sẽ là xu thế tất yếu, trong đó nguồn dữ liệu big data có vai trò cốt lõi để định hình xu hướng phát triển ngành du lịch trong bối cảnh "bình thường mới".

Ảnh tác giả

Để nắm bắt được nhu cầu của khách hàng thì dữ liệu là yếu tố vô cùng quan trọng, cần một nguồn dữ liệu khổng lồ để hiểu được lý do khách đi du lịch, hiểu được xu thế dịch chuyển, kết nối du khách với những kiến nghị về du lịch.

Ông Jonh Mackenney, Giám đốc phụ trách chiến lược số công ty Adobe

Nguyên đại sứ Hoa Kỳ Michael W. Michalak, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Asean (USABC) thì nhận định: "Các khía cạnh khác nhau của ngành du lịch đang thiếu sự liên kết. Từ khi hành khách có ý định du lịch đến book tour sau đó xin visa rồi đến khách sạn, tham gia các hoạt động du lịch không tiếp xúc, trải nghiệm địa phương, quá trình này đều thực hiện riêng lẻ, rời rạc và không có sự kết nối với nhau"

"Vì vậy cần sớm triển khai một hệ thống chung có thể thực hiện được tất cả các bước nêu trên", ông Michalak nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

Việc sử dụng công nghệ số để liên kết các hoạt động du lịch của khách hàng trong chuyến đi là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh du lịch mới được mở cửa trở lại.

Nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael W. Michalak

Để làm rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành du lịch, ông Michael Parson đến từ công ty IBM cho biết: "Trong chuyển đổi số, dữ liệu là chìa khóa giúp khách hàng có thể đi lại dễ nhất có thể. Hiện nay, việc sử dụng thủ tục, giấy tờ vẫn phổ biến, gây nên tình trạng ùn tắc ở sân bay. Vì vậy, việc số hóa các quy trình trên sẽ giảm đáng kể thời gian chờ đợi cũng như tạo trải nghiệm đi lại tốt nhất cho khách hàng".

Ông cũng cho rằng dữ liệu thông tin có vai trò quan trọng cần phải cập nhật thường xuyên, trong khi hiện nay những dữ liệu này vẫn còn manh mún và rời rạc. Các dữ liệu viễn thông, bán lẻ, tài chính, thuê xe, marketing cũng chưa được kết nối với dữ liệu về du lịch.

Ngoài vấn đề dữ liệu, các chuyên gia cũng cho rằng chuyển đổi số trong ngành du lịch còn bao gồm chuyển đổi số trong việc quản lý và bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho khách du lịch, cũng như toàn bộ nhân lực ngành du lịch. Việc khai báo thông tin y tế, tình trạng sức khỏe lên các ứng dụng số là điều bắt buộc để có thể mở cửa an toàn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Chuẩn đoán về "sức khỏe số" trong ngành du lịch, ông Sandeep Makhijanni, người phụ trách bộ phận y tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Công ty IBM cho biết: "Đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa trong du lịch từ khâu bán vé đến xin visa, book khách sạn, check in, đây cũng là động lực thúc đẩy tiến trình số hóa về sức khỏe của du khách".

"Hiện nay, công nghệ blockchain đang được sử dụng để số hóa các chứng chỉ liên quan đến sức khỏe mà chúng ta cần xuất trình trong kỷ nguyên Covid và sau Covid. Công nghệ này rất dễ tích hợp vào hạ tầng hiện có của các công ty hay hoạt động quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới", chuyên gia đến từ IBM nói thêm.

"Blockchain có nhiều ưu điểm như có thể sử dụng trên nhiều thiết bị, kể cả thiết bị di động; giúp chúng ta loại bỏ độ phức tạp trong kết nối các hệ thống; giúp các quốc gia kiểm soát định danh, đi lại, chứng chỉ sức khỏe, tiêm chủng đạt tiêu chuẩn quốc tế; tạo sự liên thông giữa các nền tảng sức khỏe số của các quốc gia với tính bảo mật cao, đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng" - ông Sandeep.

Tuy nhiên, rào cản duy nhất để ứng dụng chứng chỉ sức khỏe số này là lòng tin giữa các bên liên quan như bên phát hành và bên kiểm tra. "Để khôi phục lại hoạt động du lịch sau đại dịch, chúng ta cần có những giải pháp công nghệ. Trên phạm vi rộng hơn, chúng ta cần có những giải pháp mang tính chất tương thích, liên thông hoạt động giữa nhiều quốc gia khác nhau đồng thời mang lại hiệu quả trải nghiệm xuyên suốt cho người dùng" ông Sandeep nhận định.

Liên quan đến việc sử dụng các chứng chỉ sức khỏe, định danh, việc có một nền tảng chung bằng cách xây dựng một ứng dụng liên kết tất cả ứng dụng sức khỏe của các quốc gia khu vực ASEAN được đặt ra. Nhưng tính khả thi cho một ứng dụng như vậy cũng là một câu hỏi lớn.

Theo ông Sandeep Makhijanni, trong thực tế tại các quốc gia ASEAN đều đã có một ứng dụng khai báo sức khỏe rất thành công, đảm bảo tính bảo mật, quyền riêng tư, như ở Việt Nam là PC-COVID. Do đó, ông cho rằng ở tầm khu vực với 11 quốc gia thì việc liên thông giữa các ứng dụng là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn trong việc triển khai bởi những ứng dụng trong nước đều phục vụ nhu cầu, luật pháp của quốc gia đó, nên việc liên thông cần đảm bảo các quy tắc văn hóa, pháp luật và công nghệ.

Đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa trong du lịch từ khâu bán vé đến xin visa, book khách sạn, check in, đây cũng là động lực thúc đẩy tiến trình số hóa về sức khỏe của du khách

Trong khi đó, ông Sandeep cũng chỉ ra rằng, các nước ASEAN đã có bề dày trong hợp tác về du lịch, thương mại, đây là tiền đề rất tốt để tạo môi trường cho các nước ASEAN hợp tác với nhau, thống nhất các tiêu chuẩn về chứng chỉ, văn hóa, sức khỏe, xét nghiệm tiến tới thành lập một hệ thống sức khỏe chung cho khu vực.

Ảnh tác giả

Đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa trong du lịch...đây cũng là động lực thúc đẩy tiến trình số hóa về sức khỏe của du khách. Các nước trong khu vực đang thu hút khách du lịch quốc tế, khách du lịch trong khu vực, vì vậy việc công nhận lẫn nhau là việc cần thiết.

Ông Sandeep Makhijanni

Về quan điểm của các hiệp hội du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam, cũng đồng tình với việc chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết trong phục hồi ngành du lịch. Ông nhấn mạnh việc cần có kế hoạch dài hạn để phục hồi lại ngành du lịch, trong đó chuyển đổi số là công cụ quan trọng khôi phục ngành này.

Ảnh tác giả

Ngành du lịch phải trở thành một ngành kinh tế số, các doanh nghiệp cũng cần phải chuyển đổi số để đi vào ngành kinh tế này

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam

Trong khi đó, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, Chủ tịch Thiên Minh Group đánh giá: "Chuyển đổi số là quá trình chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng quan trọng nhất là phải xác định sử dụng chuyển đổi số như thế nào để tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt nhất, giảm chi phí vận hành, tạo ra mô hình kinh doanh mới".

Dựa trên xu hướng du lịch “không chạm”, chuyển đổi số trong ngành lữ hành và du lịch ngày nay không còn là một chiến lược tùy chọn, mà đang dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng với sự phát triển không ngừng về nhu cầu của khách hàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp