Chuyên gia dự báo lạm phát trung bình 2023 trong khoảng 3-4%

LẠM PHÁT Việt nAM
15:11 - 04/01/2023
Người dân mua sắm tại siêu thị - Ảnh: Quách Sơn
Người dân mua sắm tại siêu thị - Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự báo chuyên gia, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn năm 2022, nhưng lạm phát trung bình trong năm sẽ vẫn nằm trong khoảng 3-4%.

Ngày 4/1, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo "Diễn biến lạm phát năm 2022 và dự báo năm 2023". Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 đã tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI năm 2022 tăng 3,15%. Như vậy, lạm phát trong năm 2022 có xu hướng gia tăng, bởi lạm phát so với cùng kỳ tháng 12/2021 và lạm phát trung bình năm 2021 chỉ ở mức 1,81% và 1,83%.

Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, theo vị chuyên gia này, có thể thấy rằng lạm phát tại Việt Nam 2022 vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu là 4%. Đây cũng là con số khá thấp nếu so với các nước phát triển, điển hình là Mỹ.

Lạm phát so với cùng kỳ năm trước tại Mỹ và Việt Nam

Lạm phát so với cùng kỳ năm trước tại Mỹ và Việt Nam

Có một số nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp, mặc dù đang gia tăng. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt mức 8,02%, nhưng tính trung bình giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4,520 %, thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng khoảng 6-6,5%.

"Điều này có nghĩa là trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhiều công suất dư thừa, và do vậy, các doanh nghiệp không thể tăng giá mạnh, khi cung hàng hóa vẫn khá dồi dào. Đây là yếu tố kiềm chế giá cả của một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu", TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

Toàn cảnh Hội thảo "Diễn biến lạm phát năm 2022 và dự báo năm 2023".

Toàn cảnh Hội thảo "Diễn biến lạm phát năm 2022 và dự báo năm 2023".

Thứ hai, mặc dù mặt bằng giá cả trong nền kinh tế năm 2022 chịu tác động tiêu cực từ xu hướng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao, nhưng Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát lạm phát nhập khẩu, như ổn định tỷ giá USD/VND và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước là Chính phủ đã thực hiện kiểm soát giá một số mặt hàng như giá dịch vụ y tế, giáo dục và điển hình là giá điện. Việc tập trung vào các yếu tố chi phí đẩy chính là điểm khác biệt dẫn đến thành công của chính sách kiểm soát lạm phát tại Việt Nam so với nhiều nước khác trên thế giới trong năm 2022.

Một điểm khác biệt TS. Nguyễn Đức Độ chỉ ra là lạm phát tại các nước phát triển như Mỹ trên thực tế đã bắt đầu tăng tốc từ đầu năm 2021 khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ và nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại. Trong năm 2022 lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh ở mức 9,0% và hiện đang trong xu hướng giảm.

Còn tại Việt Nam, lạm phát so với cùng kỳ, mặc dù thấp hơn so với Mỹ, nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng. Hơn nữa, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ đang tăng khá nhanh, trung bình khoảng 0,41%/tháng, tương đương 4,99%/năm và cao hơn so với lạm phát CPI tổng thể.

Câu hỏi đặt ra là với việc lạm phát tại Việt Nam đang trong xu hướng tăng như hiện nay, liệu mục tiêu kiểm soát lạm phát xung quanh mức 4,5% trong năm 2023 có đạt được?

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn.

Thứ nhất, trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, NHNN đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022. Theo các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2022 mới tăng 3,85% so với cuối năm 2021, trong khi đến ngày 20/6/2022 đã tăng 3,3%, tức là cung tiền gần như không tăng trong nửa sau của năm 2022.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất năm 2022 đã tăng khoảng 2-2,5 điểm phần trăm so với năm 2021. Đây sẽ là những nhân tố có tác động kiềm chế lạm phát trong năm 2023.

Thứ hai, ông Độ phân tích, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Trên thị trường quốc tế, nhiều khả năng chỉ số đồng USD đã đạt đỉnh vào tháng 9/2022 và đang trong xu hướng giảm giá, mặc dù sẽ có những giai đoạn phục hồi trong năm 2023.

Ở thị trường trong nước giá USD cũng đã giảm mạnh trong tháng 12/2022. Tính từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, VND chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với USD. Đây là mức mất giá không quá lớn và do vậy sẽ không ảnh hưởng quá mạnh tới lạm phát thời gian tới.

"Nếu xu hướng giảm giá của đồng USD tiếp tục được duy trì, tỷ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được NHNN giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", TS. Nguyễn Đức Độ dự báo.

Thứ ba, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển. Mặc dù lạm phát tại các nước phát triển nhiều khả năng đã đạt đỉnh, nhưng hiện vẫn ở mức cao so với mục tiêu. Xu hướng tăng lãi suất tại Mỹ và châu Âu nhiều khả năng vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2023.

Đường cong lãi suất và suy thoái kinh tế tại Mỹ giai đoạn 1962-2022

Đường cong lãi suất và suy thoái kinh tế tại Mỹ giai đoạn 1962-2022

Việc tăng trưởng tại các nước phát triển được dự báo sẽ chậm lại đáng kể, thậm chí rơi vào suy thoái tác động đến lạm phát tại Việt Nam theo 2 khía cạnh. Một mặt, tổng cầu đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại do nền kinh tế có độ mở lớn.

"Mặt khác, nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ gây áp lực giảm giá hàng hóa cơ bản trên thế giới. Bởi vậy, giá xăng dầu và các loại nguyên vật liệu trong năm 2023 sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế hay các rủi ro liên quan đến chiến tranh Nga - Ukraine gia tăng", đại diện Viện Kinh tế Tài chính chỉ ra.

Như vậy, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.

Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.

Với bối cảnh trên, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát trung bình trong năm 2023 sẽ nằm trong khoảng 3-4%, hay nói cách khác là xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%).

Ảnh tác giả

Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4%, là hoàn toàn khả thi.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính.

Quyết liệt với mục tiêu lạm phát 4,5%

Đồng tình với những phân tích của TS. Nguyễn Đức Độ, tuy nhiên trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Ngô Trí Long nhìn nhận, CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5% do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều và áp lực tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục,...).

"Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5%, cùng các mục tiêu khác, nếu không quyết liệt và nhạy bén trong điều hành, sẽ là thách thức rất lớn", PGS.TS. Ngô Trí Long nhìn nhận.

Do đó, cần phân tích, dự báo sát tình hình thực tiễn trong và ngoài nước, chủ động đưa ra giải pháp phù hợp cho cả trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, nếu không quyết liệt và nhạy bén trong điều hành sẽ là thách thức rất lớn

Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý và vốn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi.

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.

Cũng theo ông Long, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn

3 kịch bản điều hành giá năm 2023

Mới đây, Bộ Tài chính trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu đã đưa ra 3 kịch bản điều hành giá:

Kịch bản 1: Giả định giá xăng dầu giảm 5%; giá gas tăng 2%; giá lương thực, thực phẩm (gạo, thịt lợn) tăng 3%; giá điện sinh hoạt tăng 5%; giá vật liệu xây dựng tăng 5%; giá dịch vụ giáo dục tăng 15%; giá dịch vụ y tế tăng 4%; giá nhà ở thuê tăng 6%, CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 4,2% so với năm 2022.

Kịch bản 2: Giả định giá xăng dầu giữ ổn định; giá gas tăng 3%; giá lương thực, thực phẩm (gạo, thịt lợn) tăng 5%; giá điện sinh hoạt tăng 7%; giá vật liệu xây dựng tăng 6%; giá dịch vụ giáo dục tăng 18%; giá dịch vụ y tế tăng 6%; giá nhà ở thuê tăng 6%, CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 4,55% so với năm 2022.

Kịch bản 3: Giả định giá xăng dầu tăng 3%; giá gas tăng 4%; giá lương thực, thực phẩm (gạo, thịt lợn) tăng 5%; giá điện sinh hoạt tăng 8%; giá vật liệu xây dựng tăng 6%; giá dịch vụ giáo dục tăng 20%; giá dịch vụ y tế tăng 6%; giá nhà ở thuê tăng 6%, CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 4,98% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,2-4,98%.

Đọc tiếp