Chuyên gia: Việt Nam đã 'lường' được các kịch bản thắt chặt định lượng từ FED

KINH TẾ Việt nAM
14:43 - 22/09/2022
Chuyên gia: Việt Nam đã 'lường' được các kịch bản thắt chặt định lượng từ FED
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia, Việt Nam đã có sự chuẩn bị, trước động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Chính sách tài chính thận trọng cũng như kinh tế vĩ mô ổn định đang có điều kiện để chống đỡ tốt với những cú sốc bên ngoài.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, đưa lãi suất quỹ liên bang lên đến phạm vi 3% - 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008 nhằm kiềm chế lạm phát đang lên cao nhất kể từ những năm 1980.

"Chúng ta bắt buộc phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước rằng có 1 cách ít đau đớn hơn để làm điều đó. Nhưng tiếc là không có", Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra tại Washington sau quyết định tiếp tục mạnh tay với lạm phát.

Thực tế, quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản này không mấy bất ngờ khi đã được các nhà đầu tư trên thị trường tài chính dự báo từ lâu.

Điều mà giới quan sát chú ý nhất là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp về định hướng chính sách trong tương lai khi cơ quan này ra tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục nâng lên cho đến khi đạt được "mức lãi suất cuối cùng" khoảng 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào năm 2023.

Kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái

Ông Mohamed El-Erian, Chủ tịch trường Queens’ College thuộc Đại học Cambridge, cố vấn kinh tế trưởng của ngân hàng Allianz nhận định, Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất để chiến đấu với lạm phát dẫu nền kinh tế giảm tốc, qua đó làm tăng nguy cơ suy thoái.

Hoặc Fed có thể nương tay với lạm phát nhằm cố gắng tránh né một cuộc suy thoái, làm tăng nguy cơ người tiêu dùng bị mắc kẹt với giá cả đắt đỏ trong tương lai gần, ông Mohamed El-Erian nói.

Dù có chọn phương án nào, Fed cũng sẽ gây ra "thiệt hại đáng kể ngoài dự kiến và hậu quả bất lợi không mong muốn" đến công chúng. Theo ông El-Erian, tất cả những điều này có nghĩa là khả năng "hạ cánh mềm" của Mỹ đang suy giảm.

Trong một nghiên cứu mới nhất, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng nhận định các đợt tăng lãi suất đồng bộ đang được tiến hành trên toàn cầu và các hành động chính sách liên quan có thể vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2023.

Tuy nhiên, những động thái này có thể sẽ không đủ để đưa lạm phát trở lại mức trước đại dịch Covid-19. Nền kinh tế toàn cầu rất có thể đang dần tiến tới một cuộc suy thoái.

Việt Nam sẽ nhận tác động thế nào?

Trao đổi với Mekong ASEAN, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, nhìn chung, động thái tăng lãi suất của Fed khiến mặt bằng lãi suất tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỷ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.

Với Việt Nam, trong ngắn hạn, theo TS. Việt tác động rõ rệt nhất là việc đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, châu Âu đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng do xu hướng thắt chặt chi tiêu của các quốc gia này.

Đồng Việt Nam (VND) hiện được neo với đồng USD nên khi USD tăng giá, VND cũng có xu hướng tăng theo. Theo ông Việt, VND mạnh lên cùng với USD đồng nghĩa VND tăng giá tương đối so với các đồng tiền khác như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)..., khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này sẽ gặp ảnh hưởng về lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, kể cả các mặt hàng được coi là thế mạnh, có giá trị gia tăng tốt trong 8 đầu năm như thủy sản, nông sản,...

Mặt khác, ông Việt nhìn nhận, Fed tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam vẫn chủ trương giữ ổn định cả lãi suất lẫn tỷ giá hối đoái. Thế nên áp lực đó buộc Việt Nam bước vào một giai đoạn thách thức hơn, là lựa chọn là giữ ổn định lãi suất hay giữ ổn định tỷ giá hối đoái.

Về dài hạn, khi đồng dollar Mỹ tăng lên, lãi suất tăng lên thì dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể rút khỏi các nước đang phát triển, quay trở về các nước phát triển.

Nhìn vào thực tế thực tế Việt Nam, 8 tháng đầu năm, số dự án và vốn đăng ký mới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có giảm. Tuy nhiên, theo ông Việt, trong bối cảnh khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và vẫn giữ tăng trưởng tốt, cán cân bảo đảm, nếu môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải cách tốt sẽ tạo hấp lực trở lại với cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam.

Về lâu dài, bên cạnh việc lãi suất, tỷ giá, điều quan trọng hơn với các nhà đầu tư nước ngoài là sự ổn định, minh bạch, thông thoáng của môi trường kinh doanh. Đây mới là điều quan trọng giữ chân nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Việt nhìn nhận.

Chuyên gia: Việt Nam đã 'lường' được các kịch bản thắt chặt định lượng từ FED ảnh 1

Dự báo đã có từ trước, Việt Nam cũng đã chuẩn bị tốt trước động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Chính sách tài chính thận trọng cũng như kinh tế vĩ mô ổn định đang có điều kiện để chống đỡ tốt với những cú sốc bên ngoài.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm lại, theo TS. Việt, về ngắn hạn, trước áp lực tăng lãi suất từ Fed, sức ép đến xuất khẩu và chính sách của Việt Nam là hiện hữu. Song, xét và trung và dài hạn, việc phối hợp linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo vừa kiểm soát tốt câu chuyện về tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là điểm tựa giúp Việt Nam vượt qua những u ám và bất định của bối cảnh toàn cầu.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao tại hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, EU, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước ASEAN… Trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, dẫn tới hệ quả là lạm phát tăng cao, khiến ngân hàng Trung ương thời gian qua nhiều nước phải tăng lãi suất.

Việc các nước tăng lãi suất làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp… Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỷ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền… của Việt Nam.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Đọc tiếp