Chuyên gia: Việt Nam không thể trở thành cường quốc công nghiệp nếu chỉ dựa vào FDI

FDI Việt nAM
01:10 - 24/07/2022
Chuyên gia: Việt Nam không thể trở thành cường quốc công nghiệp nếu chỉ dựa vào FDI
0:00 / 0:00
0:00
Trong phát triển kinh tế, cần lắm sự góp sức của nhiều nguồn lực khác nhau nhưng cần không kém là một thể chế tốt để tận dụng và phát huy vai trò nội lực mạnh mẽ hơn, các chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi trong bất định, rủi ro, Việt Nam nhờ việc triển khai quyết liệt chính sách linh hoạt, phù hợp trong phòng, chống dịch bệnh, kiên định với chiến lược "Sống chung an toàn với Covid-19" tiếp tục phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực với nhiều điểm sáng.

Theo số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, hầu hết các ngành sản xuất chính đều tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%); khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).

Ngoài ra hoạt động thương mại quốc tế cũng có nhiều khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Một điểm nhấn đáng tự hào của nền kinh tế Việt Nam nữa đó là những thành tựu trong giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng tích cực. Lũy kế đến hết ngày 20/06/2022, giải ngân vốn FDI đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% - là mức cao nhất của 6 tháng trong 5 năm qua, cho thấy tình hình giải ngân vốn FDI tại Việt Nam tiếp tục khả quan; đồng thời điều này góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.

Chia sẻ tại Đối thoại với chủ đề "Kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam 2022: Cơ hội và thách thức" ngày 23/7, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, sự phục hồi của nền kinh tế với những con số tăng trưởng ấn tượng, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc là những tín hiệu khả quan, "cú hích" mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam bước vào 2 quý cuối năm nỗ lực phấn đấu đạt được những mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

Việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã phần nào góp phần thúc đẩy chuyển dịch, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, nhiều mô hình tăng trưởng vượt bật, nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, ông Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn rất nhiều điểm cần lưu ý. Ông Doanh lấy ví dụ, hiện nay một số tỉnh đang say sưa với tham vọng nhanh chóng trở thành tỉnh công nghiệp, lạm dụng từ “linh hoạt”, đề ra biệt đãi, nhất là về chính sách thuế, tiếp cận vốn, đất đai… để kéo dự án về địa bàn mình.

Song, nếu chỉ ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài thì sản phẩm và thương hiệu vẫn là của nước ngoài. Muốn nổi lên cạnh tranh với các quốc gia khác trong bối cảnh kinh tế hội nhập thì phải có những doanh nghiệp Việt mang thương hiệu Việt, ông Doanh nhìn nhận.

Ảnh tác giả

Chúng ta không từ chối đầu tư nước ngoài, nhưng không thể ôm mộng trở thành cường quốc công nghiệp chỉ bằng đầu tư nước ngoài.

TS Lê Đăng Doanh

Đồng quan điểm, chia sẻ tại buổi đối thoại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hội nhập rộng lớn đang là ưu thế lớn của Việt Nam khi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký với tổng cộng 59 nước tham gia, nhưng điểm mấu chốt đặt ra là phải tận dụng hiệu quả những ưu thế này như thế nào.

Điều này đặt ra vấn đề rằng, tự mình phải nâng cấp nền kinh tế của mình để tận dụng được lợi thế của các FTA, nếu không Việt Nam rất dễ rơi vào tình trạng chỉ chạy theo bề rộng mà bỏ rơi bề sâu, bà Chi Lan lưu ý.

Ảnh tác giả

Trong khi đó, nền kinh tế lại mở cửa rất rộng để bên ngoài dễ dàng thâm nhập vào. Do đó, tuy kinh tế tăng trưởng hàng năm nhưng tỷ trọng người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào GDP càng ngày càng thu hẹp dần. 50% công nghiệp Việt Nam do các công ty đầu tư nước ngoài thực hiện, 73% giá trị xuất khẩu Việt Nam là do khối FDI tạo ra. Vậy phần đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam còn bao nhiêu? Đây là vấn đề đáng quan ngại.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Điểm lại một số số liệu những năm qua cũng có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nếu như năm 2005, xuất khẩu của khối này chỉ chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng đến năm 2010 đã chiếm 54%. Từ năm 2015, xác lập tương quan tỷ trọng giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam là 70/30. Năm 2021, tỷ trọng của khối FDI lên 73,6%. Khối FDI tạo ra các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, đa dạng, kim ngạch cao, tăng nhanh.

Năm 2021, Việt Nam đã có 35 mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên (năm 2020 con số này chỉ là 6) đàng hoàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Khối FDI tiếp tục là tác nhân quan trọng cải tiến cơ cấu xuất khẩu theo hướng tích cực, với nhóm công nghiệp chế biến đạt 289,1 tỷ USD, chiếm áp đảo tới 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, số thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng. Năm 2021, có 33 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 10 thị trường đạt 5 tỷ USD trở lên, 5 thị trường đạt từ 10 tỷ USD trở lên, với tổng kim ngạch 206,2 tỷ USD, chiếm 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào tất cả các thị trường.

Khối FDI cũng là nhân tố chính tạo nên thặng dư thương mại cao của Việt Nam liền mạch 6 năm (2016 - 2021), do liên tục xuất siêu lần lượt 23,8 tỷ USD; 27,6 tỷ USD; 32,1 tỷ USD; 35,9 tỷ USD; 34,5 tỷ USD và 29,3 tỷ USD.

Không thể phủ nhận, kết quả trên đã giúp Việt Nam có tiếng nói trong đàm phán, ký kết nhiều FTA, trong đó có FTA thế hệ mới, mà còn bồi thêm xung lực để thực thi các FTA, tăng sức hút của các FTA, hối thúc một số nền kinh tế có tên tuổi xin gia nhập các định chế này. Vị thế, tiềm năng và uy tín của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.

Ngoài ra, nhờ FDI mà một số địa phương đã nổi danh. Đơn cử, năm 2021, Bắc Ninh đạt 44,8 tỷ USD, nhờ thu hút FDI thuộc nhóm hàng đầu, lại chủ yếu là công nghệ cao, đóng góp tuyệt đại bộ phận vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn vào những con số trên, cũng có những yếu tố mà các chuyên gia cho rằng không thể không "sốt ruột" bởi như đã phân tích, khối FDI chiếm tỷ trọng cao trong tổng GDP trong khi sự góp mặt của doanh nghiệp Việt Nam lại có biểu hiện thu hẹp lại.

Phát huy yếu tố nội tại dẫn dắt kinh tế tăng trưởng

Theo đó, tại buổi đối thoại, bà Phạm Chi Lan khẳng định, đối với một đất nước 100 triệu dân, đứng hàng thứ 13 trên thế giới về dân số, Việt Nam dứt khoát vừa phải tham gia hội nhập toàn cầu hóa, vừa thu hút đầu tư nước ngoài, vừa phải tự lập, tự cường. Nói một cách chính xác hơn, muốn tham gia toàn cầu hóa tốt, phải tự lập cao, phải xây dựng nền kinh tế của người Việt Nam bằng chính nội lực của doanh nghiệp Việt Nam.

"Trong phát triển kinh tế, cần lắm sự góp sức của nhiều nguồn lực khác nhau nhưng cần không kém là một thể chế tốt để tận dụng và phát huy vai trò nội lực",

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, bà Phạm Chi Lan dẫn lại khuyến nghị của GS Trần Văn Thọ về 2 lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam cần chú trọng phát huy trong thời gian tới để đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thứ nhất, nông nghiệp. Theo phân tích của chuyên gia, đây là lĩnh vực mà Việt Nam đặc biệt có thế mạnh. Nông nghiệp đã và đang là bệ đỡ cho nền kinh tế trong suốt một thời gian dài. Đặc biệt, trong bối cảnh bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực sẽ vẫn là xu hướng kéo dài trong khi các nước đang giảm nông nghiệp khá mạnh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vừa mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng là "bếp ăn của thế giới".

Số liệu thực tế cũng cho thấy, trong 6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 3,5 triệu tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng gần 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Về giá gạo, trong nửa đầu năm nay cũng có xu hướng tăng và hiện ở mức 420 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Do nhu cầu lương thực tăng và xung đột Nga - Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á.

Thứ hai, lĩnh vực chế biến. Theo bà Phạm Chi Lan, sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của khu vực sản xuất. Trong khi đó, xét theo cấu trúc của toàn chuỗi giá trị, mọi hoạt động kinh tế đều có mối quan hệ khăng khít, và công nghiệp chế biến chế tạo là trọng tâm trong mối quan hệ giữa các ngành kinh tế.

Đơn cử, các ngành dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào quy mô và trình độ phát triển của hoạt động sản xuất; dịch vụ bán buôn, bán lẻ (thường đóng góp từ 15-20% GDP) chính là hoạt động mua và bán hàng hóa do các ngành công nghiệp chế biến chế tạo sản xuất ra, và logistics, vận tải, kho bãi cũng không thể phát triển nếu không có hoạt động trao đổi hàng hoá tạo ra bởi các ngành sản xuất này.

Ngay cả tài chính, một ngành dịch vụ mà nhiều người cho rằng không liên quan đến sản xuất, bởi hoạt động của ngành này là luân chuyển các nguồn lực dư thừa của khu vực phi tài chính trong nền kinh tế, nhưng đối tượng để phục vụ của các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phần lớn lại là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, ngành công nghiệp chế biến chế tạo càng phát triển thì nhu cầu về vốn vay, bảo hiểm, về trình độ lao động, nghiên cứu càng lớn, và ngược lại.

Với độ mở nền kinh tế lớn, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường toàn cầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, độ mở lớn cũng khiến cho nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, và dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài.

Do đó, phát triển chuỗi cung ứng trong nước hoàn chỉnh, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tạo ra giá trị gia tăng trong nước cao hơn sẽ giúp nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng giảm thiểu rủi ro trước những cú sốc, và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, các chuyên gia nêu quan điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.