Cổ phiếu công ty bầu Đức được 'giải cứu' sau phiên nằm sàn

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
18:25 - 15/02/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hôm nay hồi phục mạnh mẽ sau phiên "Valentine đỏ lửa", trong đó mã HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai trở thành tâm điểm khi được giải cứu chớp nhoáng, trước lực bán mạnh do nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE. 

Sau phiên giảm điểm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, VN-Index hôm nay lại “như chưa hề có biến” khi tăng tới 20 điểm, quay về mức 1492.75. HNX-Index và UPCoM cũng tăng lần lượt 2,8 và 0,4 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường khá thấp khi giá trị giao dịch chỉ đạt 21.872 tỷ đồng.

Đà hồi phục hồi của VN-Index mạnh dần về cuối phiên nhờ lực kéo từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Rổ VN30 chỉ có 3 mã giảm giá là HPG, PLX và VJC. Cổ phiếu nhà Masan (MSN) dẫn đầu chiều tăng giá với tỷ lệ 5,9%. Đây cũng là mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index trong phiên hôm nay. Các mã khác cũng ghi nhận tăng đáng kể là BID +3,2%, VRE +3%, VPB +2,7%, VHM +2,4%, POW +2,3%, MBB +2,2%... Đáng chú ý, VIC sau tuần trước giảm 5/5 phiên thì đã được “giải cứu” trong hai phiên tuần này. Tỷ lệ tăng hôm nay tốt hơn hôm qua, đạt 2,3%.

Với đa số các mã nằm trong rổ VN30 nên nhóm ngân hàng hôm nay cũng là lực kéo chính cho thị trường. Trong nhóm chỉ có ABB, BVB, NAB, VAB và VBB ở chiều giảm giá nhưng tỷ lệ giảm cũng không nhiều, chỉ trên dưới 1%. Chiều tăng cũng không có mã nào đột phá, mạnh nhất chỉ có BID. Các mã tăng được hơn 2% là LPB, MBB, SHB, STB, VPB.

Nhóm vốn hóa lớn giúp kéo điểm cho VN-Index phiên hôm nay.

Nhóm vốn hóa lớn giúp kéo điểm cho VN-Index phiên hôm nay.

Nhóm xây dựng và bất động sản cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực với hầu hết các mã lớn đều chuyển màu xanh như VIC, VHM, NVL, BCM, VRE, THD, PDR, KDH, KBC, DXG, REE, NLG… DIG lại có phiên tăng trần, CEO cũng lấy lại 4,1% thị giá. FLC và ROS cũng tăng nhẹ. Chiều giảm có 3 mã giảm sàn, 66 mã giảm giá nhưng tỷ lệ không lớn.

Nhóm chứng khoán hôm nay hồi phục nhưng không được tích cực như nhóm ngân hàng và bất động sản, xây dựng. Chiều đứng giá, giảm giá cũng tương đương với chiều tăng giá. Tăng mạnh có PHS +7,65, VND +3,4%, APS +3,2%, IVS +3%... Giảm mạnh chỉ có TIN mất đi 3% thị giá, các mã khác giảm nhẹ.

Điểm trừ hôm nay thuộc về nhóm thép và dầu khí. Sau phiên thăng hoa hôm qua, dầu khí lại quay đầu giảm ở cả các mã khai thác và vận tải, xây dựng. BSR và OIL giảm hơn 3%. PLX, PTV, PVC, PVD, PVS cũng giảm trên dưới 2%. Chiều tăng còn POS, PVB và TOS.

Lĩnh vực thép cũng ghi nhận giảm ở các mã HPG, HSG, POM, NKG, TIS, VIS, TVN. Chiều tăng có SMC, VCA, HMC.

Màn giải cứu chớp nhoáng

Tâm điểm giao dịch hôm nay thuộc về HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đầu phiên, HAG tiếp tục trong tình trạng “trắng bên mua” như phiên hôm qua (14/2); nhanh chóng bị đẩy xuống mức giá 10.750 đồng/cp. Lượng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị trong khi lệnh mua chỉ lẻ tẻ vài trăm đến vài nghìn.

Tuy nhiên sang phiên chiều, tình thế đảo ngược ngoạn mục. Chỉ trong 5 phút, từ khoảng 13h23 - 13h28 phút, hơn 12 triệu cổ phiếu HAG đã được giải cứu chớp nhoáng với những lệnh mua lớn, từ 300.000, 500.000 đến 600.000, 900.000 đơn vị. Các lệnh lớn này đã tạo đà cho HAG bật tăng 5%, từ giá sàn lên 12.300 đồng/cp. Mặc dù vậy, lực bán vẫn lớn nên cuối phiên, mã chứng khoán nhà bầu Đức lùi về 11.650 đồng/cp. Thanh khoản HAG hôm nay đạt hơn 38 triệu đơn vị, trong đó 30,4 triệu đơn vị là chiều mua.

HAG bắt đầu hồi phục từ tháng 10/2021, sau khi doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh ổn định trở lại sau nhiều năm bấp bênh. Trước đó, từ 2016, HAG bị tụt dốc, thị giá có khi chỉ bằng cốc trà đá (2.500 đồng). Tuy nhiên, niềm vui của cổ đông “ngắn chẳng tày gang” khi mới đây, việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính cho thấy các năm 2017, 2018 và 2019, lợi nhuận sau thuế của HAG đều là số âm. Theo nguyên tắc, doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE.

Cổ phiếu HAG vừa có dấu hiệu hồi phục đã đối mặt nguy cơ hủy niêm yết.

Cổ phiếu HAG vừa có dấu hiệu hồi phục đã đối mặt nguy cơ hủy niêm yết.

Trước nguy cơ đó, HAG đã kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết. Bởi các cổ đông mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm.

Mặc dù HoSE chưa đưa ra quyết định nhưng thông tin HAG có thể bị hủy niêm yết đã tác động nhanh chóng đến thị giá HAG. Từ mức đỉnh mới tìm lại 15.600 phiên 17/1, mã có nhiều phiên sụt giảm, thậm chí phiên hôm qua “nằm sàn” với dư bán lên đến hơn 15 triệu cp.

Ngay sáng nay (15/2), một nhóm cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai đã có đơn kêu cứu gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03) Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Đây là nhóm cổ đông đầu tư vào HAG sau ngày phát hành báo cáo kiểm toán 2020 (tháng 4/2021).

Nhóm cổ đông cho rằng việc HAG làm ăn thua lỗ đã xảy ra vào thời điểm trước đó mà không thấy cơ quan Nhà nước áp dụng hình phạt. Nếu biết có tình trạng này xảy ra thì các cổ đông sẽ không dám mua. Từ đây, nhóm cổ đông đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về vấn đề hủy hay không hủy niêm yết HAG để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.