Cổ phiếu đầu tư công ‘tạo sóng’, các doanh nghiệp đang hoạt động thế nào?

Fecon VINACONEX
11:15 - 09/02/2023
Một dự án của Fecon. Ảnh: Fecon
Một dự án của Fecon. Ảnh: Fecon
0:00 / 0:00
0:00
Từ những tuần trước Tết Nguyên đán 2023, nhóm doanh nghiệp có đầu tư công đã rục rịch bước vào đường đua trên thị trường chứng khoán và hiện tại, các cổ phiếu đều đã tăng giá đáng kể.

Từ giữa tháng 11/2022 đến nay, HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả tăng 71% lên vùng giá 12.000 đồng; VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tăng 54% lên vùng giá 19.000 đồng; LCG của CTCP Lizen tăng giá gấp đôi lên hơn 10.000 đồng; FCN của CTCP Fecon tăng 57% lên vùng giá 11.000 đồng…

Nhóm cổ phiếu đầu tư công nhận được sự quan tâm sau khi Chính phủ thể hiện sự quyết tâm đẩy mạnh lĩnh vực này trong năm 2023. Các chuyên gia, công ty chứng khoán cũng đều đồng thuận rằng đây sẽ là nhóm ngành “hoa tiêu” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Theo ước tính của VNDirect, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20-30% so với 2022. Đơn vị này đánh giá cao triển vọng phát triển hạ tầng trong năm nay khi các vấn đề thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết.

12 gói thầu đầu tiên tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II với tổng giá trị 52.280 tỷ đồng đã chính thức được khởi công từ ngày 1/1/2023. 13 gói thầu còn lại tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn II, đường Vành đai 3 (TP HCM) và Vành đai 4 (Hà Nội) cũng dự kiến bắt đầu thi công trong nửa đầu năm 2023.

VNDirect kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021.

VNDirect kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021.

Về phía doanh nghiệp, VNDirect cho rằng, cơ hội giành được các gói thầu quy mô lớn sẽ thuộc về những đơn vị hàng đầu như Vinaconex, Hạ tầng Đèo Cả, Cienco 4. Trong đó, Vinaconex, Hạ tầng Đèo Cả và Cienco 4 đã được chỉ định tham gia tại 12/25 gói thầu đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II.

Đó là về triển vọng nhóm ngành, còn thực tại tiềm lực tài chính và hoạt động kinh doanh của nhóm ngành đầu tư công đang ra sao?

Hạ tầng giao thông Đèo Cả ghi nhận 2.095 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022, tăng 13% so với 2021; lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng, tăng 8%. Như vậy, HHV mới hoàn thành 83% mục tiêu doanh thu, 80% kế hoạch lợi nhuận.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ các trạm thu phí BOT chiếm 71% với 1.491 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021. Hoạt động xây lắp mang về 530 tỷ đồng (chiếm 25%), giảm 4%. Còn lại là doanh thu hoạt động từ bảo dưỡng hầm đường, cung cấp dịch vụ trung chuyển.

Về tình hình tài chính, cuối quý 4/2022, tổng tài sản của HHV đạt 35.643 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất là 28.562 tỷ đồng (chiếm 80%). Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 472 tỷ đồng.

Tổng nợ vay cuối kỳ là 20.653 tỷ đồng, chiếm 58% tổng nguồn vốn. Vay dài hạn là 20.397 tỷ đồng, trong đó, công ty vay Vietinbank gần 19.330 tỷ đồng và VietABank hơn 940 tỷ đồng với thời hạn trên 5 năm. Tổng số tiền lãi mà HHV phải trả trong năm 2022 là 648 tỷ đồng.

CTCP Vinaconex ghi nhận doanh thu 1.929 tỷ đồng trong quý 4/2022, giảm 10% so với mức doanh thu 2.133 tỷ đồng của quý 4/2021. Tuy vậy, do kết quả tích cực hơn của các quý trước, lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp đạt mức doanh thu 8.629 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với con số 5.750 tỷ đồng của năm 2021. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế và sau thuế VCG lần lượt là 1.132 và 1.049 tỷ đồng, tăng 57% và 102% so với năm 2021.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Vinaconex đạt 32.285 tỷ đồng, cao hơn thời điểm đầu năm 1.315 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn dù giảm mạnh so với đầu năm nhưng vẫn khá dồi dào, đạt hơn 3.100 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty vẫn ở mức cao với 22.259 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu; trong đó vay nợ tài chính tới 13.223 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng nợ. Trong năm qua, công ty phải chi 753 tỷ đồng lãi vay, lần lượt tăng gấp 2 và 3 lần so với năm 2021 và 2020.

CTCP Fecon ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 tăng vọt lên 49,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 272 triệu đồng. Nguyên nhân là do doanh thu tài chính trong kỳ tăng đột biến lên 123 tỷ đồng nhờ thoái vốn dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Đồng thời, FCN mang về 25 tỷ đồng lợi nhuận khác, nhờ vào việc chia sẻ đường dây điện ở dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.

Lũy kế cả năm 2022, FCN đạt 3.043 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với năm 2021, song doanh thu tài chính gấp 8,5 lần cùng kỳ đạt 161 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2021. Đây là mức lãi thấp nhất của FCN kể từ khi niêm yết (tháng 7/2012). Với kết quả này, FCN mới thực hiện được 61% chỉ tiêu doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của FCN đạt 7.566 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 45% còn 171 tỷ đồng, ngược lại, các khoản phải thu tăng mạnh. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 3,6%. Các khoản phải thu dài hạn đạt 394 tỷ đồng, tăng 7 lần. Hàng tồn kho 1.674 tỷ đồng.

Nợ phải trả ở mức 4.103 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,18 lần.

CTCP Lizen ghi nhận doanh thu đạt 1.009 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 44% so với 2021; lợi nhuận sau thuế 195 tỷ đồng, tăng 7,8%. Hoạt động kinh doanh chính của LCG trong cả năm ghi nhận lỗ 13,3 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi 221 tỷ đồng. Lizen thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính tăng 16 lần so với cùng kỳ lên 270 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đến 95% doanh thu hoạt động tài chính đến từ chuyển nhượng khoản đầu tư, giá trị 258 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Lizen giảm 15% so với đầu năm về 4.948 tỷ đồng, tương ứng giảm 857 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 47% tổng tài sản với giá trị 2.352 tỷ đồng; tồn kho ở mức 1.154 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty giảm mạnh 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm mạnh từ mức 743 tỷ đồng về 73 tỷ đồng. Vay ngắn hạn tăng hơn 100 tỷ đồng lên 358 tỷ đồng. Trong năm 2022, công ty phải trả 69 tỷ đồng lãi vay, so với 2021 phải trả 106 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.