Công ty chứng khoán gợi ý các chủ đề đầu tư tiềm năng năm 2023

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
08:47 - 06/02/2023
Công ty chứng khoán gợi ý các chủ đề đầu tư tiềm năng năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán Nhất Việt xác định đầu tư công đóng một vai trò rất lớn trong việc kích thích nền kinh tế và giải quyết bài toán thanh khoản năm 2023.

Báo cáo chiến lược của Chứng khoán Nhất Việt (VFS) mới đây dự báo, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục bán ròng trong Q1/2023 và giao dịch giằng co thiên về xu hướng bán ròng nhẹ.

Cụ thể, theo VFS, giá trị giao dịch từ nhà đầu tư cá nhân chiếm 80% giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng thường phản ứng chậm với xu hướng thị trường. Mặt khác, khả năng bứt phá của dòng tiền trong nước chỉ có khả năng xuất hiện khi lãi suất điều hành giảm, room tín dụng nới lỏng, các vấn đề trái phiếu được giải quyết, thị trường bất động sản tan băng và lạm phát thấp.

Trong khi đó, nhóm phân tích nhận định, dòng tiền từ nước ngoài sẽ tương đối tích cực trong Q1/2023, sau đó giao dịch giằng co.

Theo VFS, giá trị giao dịch từ khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng chiếm tỷ trọng cao trong chu kỳ giảm giá, giữ ổn định trong chu kỳ tích lũy và giảm trong chu kỳ tăng giá.

Thống kê từ VFS cũng cho thấy tổ chức nước ngoài thường đẩy mạnh mua ròng ở các vùng giá thấp cho đến khi thị trường chứng khoán chính thức vào xu hướng tăng trung hạn. Tuy khó có thể bù đắp được thiếu hụt từ nhà đầu tư cá nhân với 80% tỷ trọng trên giá trị giao dịch.

Xem xét các yếu tố trên thị trường chứng khoán, VFS nhìn nhận, cơ hội thị trường đến từ việc lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với giá hàng hóa ổn định. Từ đó, áp lực lên thanh khoản thị trường, tỷ giá được giảm bớt và tạo môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

Trung Quốc hướng tới mở cửa hoàn toàn, tuy vậy sẽ mất thời gian khắc phục hậu quả kinh tế từ chính sách Zero COVID không thành công và giai đoạn bùng dịch ngay sau khi mở cửa.

Trong khi, dự báo cung tiền năm 2023 vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp nhưng sẽ tích cực hơn so với 2022.

Ở chiều ngược lại, nhóm phân tích nhìn nhận, rủi ro đối với thị trường chứng khoán khi triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục được dự báo tăng trưởng chậm do các ngân hàng trung ương đẩy mạnh chống lạm phát và khả năng thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục xấu đi.

Lãi suất huy động vẫn có thể tiếp tục đà tăng do áp lực từ các NHTW thế giới tiếp tục quá trình thắt chặt định lượng và tăng lãi suất. Sản xuất và xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn năm 2023 do hàng tồn kho cao.

Từ những phân tích trên, VFS gợi ý 5 chủ đề đầu tư trọng tâm đón sóng 2023.

Đầu tư công trở thành động lực hỗ trợ nền kinh tế

Báo cáo nêu rõ kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Quốc hội thông qua với tổng số vốn khoảng 700.000 tỷ đồng. Kế hoạch này cho thấy vai trò quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu.

Nếu như năm 2022 nền kinh tế có nhiều động lực hồi phục từ xuất nhập khẩu, sản xuất thì đến cuối năm 2022 do những tác động tiêu cực từ vĩ mô quốc tế cộng với nút thắt thanh khoản đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế quý 4/2022.

"Do đó, đầu tư công năm 2023 đóng một vai trò rất lớn trong việc kích thích nền kinh tế và giải quyết bài toán thanh khoản", VFS nhấn mạnh.

Tình hình dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam thời gian qua

VFS cho biết, Việt Nam nằm trong top các quốc gia thu hút vốn FDI tốt nhất khu vực năm 2022 nhờ giá thuê đất thấp và chi phí cạnh tranh. Số lượng công ty đa quốc gia đã dịch chuyển/lên kế hoạch dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng gia tăng khiến nhu cầu sử dụng đất công nghiệp tăng cao.

Chứng khoán Nhất Việt chỉ ra một số lợi thế của Việt Nam như vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực; kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường logistics và cơ sở hạ tầng và hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các nhóm ngành hưởng lợi nhờ sự kiện Trung Quốc mở cửa

Báo cáo đưa ra những phân tích đánh giá về các nhóm ngành hưởng lợi bao gồm hàng không, thép, dầu khí, gạo và thủy sản.

Thứ nhất, việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho ngành hàng không nhờ nhu cầu đi lại tăng cao từ thị trường này.

Thứ hai, gói hỗ trợ tài chính trị giá 56 tỷ USD cho ngành bất động sản sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu xây dựng hạ tầng. Giá bán thép được dự báo tăng trở lại nhờ nhu cầu tăng cao.

Thứ ba, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất trên thế giới, từ đây nhu cầu dầu sẽ được thúc đẩy trong tương lai. Cùng với đó, tồn kho dầu tại quốc gia này đang ở mức thấp và Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu thô hơn 2,5 triệu thùng/ ngày để bổ sung. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm 2023.

Thứ tư, nhu cầu về gạo sẽ tăng lên cùng với việc Trung Quốc mở cửa với việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt gần 760 tấn, chiếm tỷ lệ 12,45% trị giá 383 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022.

Thứ năm, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra chủ yếu của Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.

Vì vậy, VFS cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2023 của ngành này.

Xu hướng chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo

Theo VFS, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các "cam kết xanh", được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu trong việc gìn giữ và bảo vệ "ngôi nhà chung" của toàn nhân loại.

Ngoài ra, quy hoạch điện VIII cũng đang là chính sách được Chính phủ chú trọng trong việc tái quy hoạch lại hệ thống điện với trọng tâm là sự phát triển của năng lượng tái tạo. Trong đó, điện gió đang là nguồn điện ít gây ảnh hưởng đến môi trường nhất.

Ngành chứng khoán: Con đường phát triển tại thị trường Việt Nam rộng mở

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.

Tuy thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh top đầu thế giới, với vốn hóa thụt lùi đáng kể trong năm 2022, định hướng nâng hạng thị trường vẫn được được triển khai quyết liệt. Hệ thống giao dịch cũng đã liên tục được nâng cấp theo nhu cầu giao dịch và giải quyết các vướng mắc, hướng đến triển khai hệ thống KRX trong năm 2023.

"Các vụ bắt giữ và thanh lọc thị trường tạo tâm lý tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng sẽ tạo nên nền tảng vững chắc và minh bạch cho chứng khoán Việt Nam trong lâu dài ", báo cáo chiến lược nêu rõ.

Nhóm phân tích cũng đánh giá rằng ngành chứng khoán sẽ tích cực khi thị trường tạo đáy. Vào giai đoạn khó khăn và thị trường trở nên rủi ro, tổng chi phí trích lập dự phòng của các doanh nghiệp tăng gây ảnh hưởng đến hạch toán lợi nhuận. Lượng trích lập này có khả năng hoàn nhập khi thị trường tạo đáy, dẫn đến biến động tăng lớn 20-40% trên EBIT.

Hơn nữa, room margin của hầu hết các công ty chứng khoán top đầu còn nhiều, tạo cơ hội cho các công ty chứng khoán thu về lượng lãi vay lớn khi thị trường chứng khoán hồi phục và nhu cầu sử dụng đòn bẩy tăng lên.

Đọc tiếp