Các doanh nghiệp phân bón đã đạt lợi nhuận kỷ lục trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Đạm Cà Mau |
Trong 2 tuần qua, các cổ phiếu phân bón đua nhau phục hồi, sau giai đoạn giảm giá sâu. DCM của Đạm Cà Mau tăng từ vùng giá 31.000 đồng lên hơn 37.000 đồng; DPM của Đạm Phú Mỹ tăng từ 45.000 đồng lên 54.000 đồng. DGC của Hoá chất Đức Giang cũng tăng từ vùng 91.000 đồng lên gần 100.000 đồng.
Các mã nhỏ khác như BFC (Phân bón Bình Điền), SFG (Phân bón miền Nam), PSW (Phân bón và Hóa chất dầu khí Tây Nam Bộ)… cũng đều tăng giá.
Giá urê đã có tín hiệu phục hồi từ đáy
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành phân bón mới đây, bộ phận phân tích Chứng khoán SSI cho biết, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu urê vào quý 3/2021, do đó đã đẩy giá urê tăng lên đáng kể. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với urê ban đầu dự kiến được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022 nhưng các hoạt động xuất khẩu vẫn rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với urê trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022).
SSI ước tính Nga chiếm xấp xỉ 15% tổng xuất khẩu ure toàn cầu trong 2019. Do đó, sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, điều này hỗ trợ giảm giá urê.
Diễn biến giá ure (USD/tấn). |
Còn về xu hướng giá nguyên liệu đầu vào, giá than và giá dầu đã điều chỉnh đáng kể so với mức đỉnh, trong khi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn ở mức cao do gián đoạn nguồn cung từ Nga, cũng như lo ngại về khả năng sự gián đoạn này sẽ kéo dài. Việc định tuyến lại nguồn cung khí tự nhiên đến châu Âu khó hơn nhiều so với mặt hàng than và dầu. Giá khí đốt nhiên liệu cao tại châu Âu khiến các nhà sản xuất urê tại khu vực này giảm sản lượng thậm chí đóng cửa, do đó đẩy giá urê lên cao.
Giá khí đốt tự nhiên cao ở châu Âu chủ yếu ảnh hưởng đến giá urê ở Biển Đen và Ai Cập. Trong khi đó, giá than điều chỉnh mạnh đã tác động lên giá urê tại Trung Quốc. Giá urê trên thị trường Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá urê tại thị trường Trung Quốc hoặc Indonesia, hơn là giá urê tại Biển Đen hoặc Ai Cập.
Nhu cầu urê suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và do quý 3 thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Mùa cao điểm quý 4 sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu thụ urê. Tuy nhiên, trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp, nhu cầu đối với phân urê có thể sẽ không phục hồi nhiều trong quý 4.
Hiện tại giá urê đã có tín hiệu phục hồi từ đáy, tức sớm hơn dự kiến ban đầu là vào quý 4/2022. Giá urê Trung Quốc và Ai Cập đã giảm -45% và -35% từ đỉnh, và gần đây đã tăng lần lượt 4% và 10% từ đáy. Với các diễn biến gần đây của các nước xuất khẩu urê lớn, SSI nâng giả định giá urê cho DPM lên 52.987 đồng và DCM lên 44.335 đồng.
So với cùng kỳ, lợi nhuận của DPM và DCM ước tính vẫn tăng trưởng khả quan trong quý 3 2022 (43% so với cùng kỳ 2021 đối với DPM và 34% đối với DCM), giúp hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Tuy nhiên lợi nhuận có thể giảm trong quý 4/2022 do mức cơ sở cao năm ngoái (- 29% so với cùng kỳ đối với DPM và -4% đối với DCM).
Dự báo tình hình kinh doanh của Đạm Phú Mỹ từ SSI. |
Trong năm 2023, lợi nhuận ước tính giảm từ mức đỉnh lợi nhuận trong 2022 (-18% so với cùng kỳ đối với DPM và -12% đối với DCM). Như vậy đà tăng trưởng lợi nhuận của các công ty đạm có thể đã đạt đỉnh và có xu hướng chậm lại.
Doanh thu ngành trong quý 3 có thể đi ngang
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng ở thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón đến hết năm 2022. Ngoài ra, châu Âu hạn chế sử dụng khí do nguồn cung từ Nga thấp khiến cho hoạt động sản xuất phân bón ở khu vực gián đoạn và cũng làm nguồn cung thế giới bị thiếu hụt hơn. Tuy nhiên giá phân bón sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu phân bón trên thế giới nhìn chung yếu.
Còn bộ phận phân tích của Chứng khoán KIS thì cho rằng, giá phân bón có thể tiếp tục giảm dần đến tháng 10 năm nay, sau đó tăng trở lại vào hai tháng cuối năm, khi vào mùa vụ Đông Xuân.
Động lực tăng trưởng chính của ngành phân bón trong nửa cuối năm đến từ nhu cầu nội địa bởi vì nhu cầu xuất không cao như quý 1, đặc biệt là khi ngành phân bón trong nước gặp sự cạnh tranh gay gắt từ Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu vẫn có thể đóng góp rất tích cực nếu các công ty sản xuất có thể tận dụng giai đoạn thấp điểm (tháng 9-10) để gia tăng sản lượng xuất khẩu.
Chứng khoán KIS dự báo doanh thu ngành phân bón trong quý 3 có thể đi ngang so với kết quả quý 2 vừa qua, nhưng nhờ sự sụt giảm trong giá gas đầu vào, các công ty sản xuất có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 1,2%-5%.
Đà tăng của cổ phiếu phân bón trong 2 tuần qua có thể đến từ thông tin khan hiếm nguồn cung, sau khi nhà sản xuất phân bón lớn nhất Ba Lan - Tập đoàn Azoty tạm ngừng sản xuất một phần do giá khí đốt tăng cao từ ngày 23/8.
Thông báo của Azoty nêu rõ: "Do giá khí tự nhiên - nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất của tập đoàn Azoty - tăng cao kỷ lục, công ty đã quyết định tạm dừng hoạt động đơn vị sản xuất phân đạm, caprolactam và polyamide 6 kể từ ngày 23/8/2022”.
Azoty giải thích rằng, giá khí đốt đã tăng từ 72 Euro/MWh vào ngày 22/2 lên 276 Euro/MWh vào ngày 22/8. Trong thời gian ngừng hoạt động một phần, Azoty sẽ thực hiện các quy trình đầu tư và sửa chữa. Tập đoàn này cho biết liên tục theo dõi "mức giá nguyên vật liệu và lợi nhuận của quá trình sản xuất, và trên cơ sở này sẽ đưa ra các quyết định kinh doanh tiếp theo”.
Trước đó, ngày 27/4, Tập đoàn Gazprom của Nga đã đình chỉ cung cấp khí đốt theo hợp đồng với công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan do công ty này từ chối thanh toán bằng đồng Ruble.