Cơ sở chiếu xạ Hà Nội được công nhận có thể rút ngắn đường đi của trái vải sang Mỹ

Vải XUẤT KHẨU
12:16 - 01/06/2023
Ảnh: Phùng Nguyện
Ảnh: Phùng Nguyện
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh cước phí vận chuyển trở thành mối lo lớn, việc đưa Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vào hoạt động được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vải xuất khẩu sang Mỹ giảm áp lực về chi phí.

Thị trường Mỹ được đánh giá là thị trường trọng điểm cho các loại trái cây khi năm 2022, thị trường này đã nhập khẩu 23,5 triệu tấn quả tươi và đông lạnh với trị giá 19,3 tỷ USD, nguồn cung chính từ Canada, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam nước ngoài tháng 5/2023 ngày 31/5, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, hiện vải là một trong 7 loại quả tươi được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cấp phép (bên cạnh xoài, nhãn, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi).

Riêng trái vải Lục Ngạn (Bắc Giang) luôn được người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao về chất lượng.

Ảnh tác giả

“Mỹ là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn”

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nhận định, đối với thị trường Mỹ, trái vải của Việt Nam có ưu thế hơn hẳn Mexico hay Trung Quốc khi quả to, hột nhỏ, vỏ mỏng.

Nhìn chung, trái vải Việt Nam trên thị trường Mỹ có sức cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, khi chất lượng không còn là vấn đề thì vẫn còn đó những khó khăn lâu năm mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Chi phí ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp?

Theo ông Hưng, trái cây xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ dễ hỏng, hao hụt trong quá trình vận chuyển khi khoảng cách địa lý quá xa. Trong khi đó, giá cước vận chuyển bằng đường hàng không lại quá cao, gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.

Năm 2021 Việt Nam đã có đường bay thẳng đến Mỹ, tỉnh Bắc Giang cũng đã có các văn bản ghi nhớ với hãng hàng không Việt Nam về chính sách ưu đãi "nhưng thực tế chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao".

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 2 cơ sở chiếu xạ quả tươi được Mỹ công nhận, tuy nhiên các cơ sở này lại ở khu vực phía Nam (Long An và TP HCM). Tại miền Bắc vẫn chưa có cơ sở chiếu xạ nào được công nhận.

Chính vì lẽ đó, nhiều năm nay doanh nghiệp xuất khẩu vải phải vận chuyển từ Bắc Giang và Hải Dương vào Nam để chiếu xạ, gây tốn kém chi phí, thời gian trong khi vải lại có tính mùa vụ.

Mặt khác, quá trình từ thu hoạch, vận chuyển đến tay người tiêu dùng Mỹ còn dài (từ 30-35 ngày), quá trình đóng gói, bảo quản lại chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn dẫn đến quả vải dễ bị hỏng, biến màu khi lên đến kệ siêu thị.

Cụ thể, vụ thu hoạch vải chỉ tập trung trong vòng 1 tháng đến 45 ngày, trái vải chín nhanh thường chỉ bảo quản được từ 3-5 ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng. Điều này đã góp phần làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của trái vải Việt Nam trước các đối thủ là Ecuador, Mexico, các thị trường Nam, Trung Mỹ.

Trung tâm chiếu xạ Hà Nội có thể hoạt động trong mùa vụ năm nay

Trước những khó khăn trên, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng nên có các ưu tiên về cước phí máy bay cho doanh nghiệp khi chuyển vải vào phía Nam chiếu xạ và xuất khẩu đi các nước. Hoặc Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ xử lý trái vải bằng Methyl bromide thay vì chiếu xạ.

Trong khi đó, ông Hưng cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã phối hợp tham mưu và đề xuất cơ chế nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến việc tham gia của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vào chương trình tiền chứng nhận của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).

Với việc trung tâm đi vào hoạt động thì không chỉ vải mà các trái cây tươi khác như nhãn, bưởi, xoài cũng được thực hiện chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, tiến trình phê duyệt Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã chậm 2 tháng so với kế hoạch. Điều này liên quan đến việc ký thỏa thuận dịch vụ hợp tác (CSA) giữa CTCP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu (doanh nghiệp giữ vai trò điều phối) với APHIS.

APHIS cho rằng đây là thủ tục đầu tiên để Mỹ có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong lộ trình phê duyệt trung tâm chiếu xạ và được coi là điểm mấu chốt để đưa trung tâm vào hoạt động. Do đó, nếu thỏa thuận CSA được hoàn tất thì có thể kịp đưa trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội vào hoạt động trong vụ vải năm nay.

Đọc tiếp