Đại biểu QH: Doanh nghiệp đang đối mặt vô vàn khó khăn

DOANH NGHIỆP QUỐC HỘI
14:58 - 25/05/2023
Đại biểu Lê Thanh Vân trăn trở với khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Lê Thanh Vân trăn trở với khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất có giải pháp mạnh mẽ hơn để “kích thích” năng lực của hệ thống doanh nghiệp trong nước. 

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội và một số nội dung liên quan khác sáng 25/5, đại biểu Lê Thanh Vân, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Đoàn Cà Mau) kể về một thực trạng buồn khi trong ngày 23/5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận tới 22.000 hồ sơ thất nghiệp.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng, hiện nay doanh nghiệp trong nước đối mặt vô vàn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm nhiều, số lượng công nhân thất nghiệp tăng lên. Giải pháp quan trọng nhất cho vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị là cần có giải pháp kích thích, giải phóng năng lực doanh nghiệp trong nước, đó là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, các công ty khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cũng kiến nghị không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Nhưng đồng thời, những vụ án nào trong lĩnh vực kinh tế phải đẩy nhanh, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn, gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tránh điều tra, xử lý dàn trải, kéo dài khiến doanh nghiệp nào cũng lo lắng, thấp thỏm, sợ mình vi phạm nên không dám làm gì.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI vừa công bố cho thấy những con số đáng suy ngẫm: Số doanh nghiệp báo lãi giảm so với năm 2021, doanh nghiệp báo lỗ tăng lên, mức độ lạc quan của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều.

Đại biểu nhấn mạnh, tìm kiếm khách hàng và tiếp cận nguồn vốn là hai khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải; ngoài ra là những khó khăn về tuyển dụng nhân sự, thủ tục hành chính, biến động của chính sách, pháp luật, khó khăn về môi trường kinh doanh…

Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2023, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt cần sự quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn.

KHÔNG NÊN BAN HÀNH THÊM QUY ĐỊNH LÀM GIA TĂNG CHI PHÍ
"Không nên ban hành thêm quy định nào làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh. Nếu cần thiết ban hành quy định mới thì cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp."Đại biểu Phan Đức Hiếu

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử ở nhiều vùng, miền trên cả nước.

Đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ; cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đại biểu đề xuất có cơ chế rõ ràng để tăng cường trách nhiệm giải trình của công chức, người đứng đầu cơ quan hành chính, góp phần giảm tình trạng e sợ, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết định.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) lo lắng khi ngành được coi là trụ cột của xuất khẩu như da giày, dệt may, gỗ xuất khẩu đều giảm sút trong 4 tháng đầu năm. Trong bối cảnh các thị trường bạn hàng xuất khẩu tiếp tục chật vật, theo ông Hà Sỹ Đồng, giải ngân vốn chậm, tổng cầu suy yếu cả về tiêu dùng, đầu tư cho thấy sức khỏe kinh tế đang bị bào mòn.

Đồng tình việc giảm thuế, phí để kích cầu nhưng ông Đồng cho rằng cần tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, bởi thực tế có chính sách hỗ trợ đưa ra nhưng không giải ngân được. Chẳng hạn gói hỗ trợ 2% chưa hiệu quả vì điều kiện đưa ra là doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi, trả nợ. Việc đánh giá "khả năng phục hồi" không rõ ràng, nên doanh nghiệp đói vốn mà không thể vay.

Tin liên quan

Đọc tiếp