Đại biểu Quốc hội: Đơn giản thủ tục hành chính, tránh ‘luật chồng luật’ trong đất đai

Đất Đai QUỐC HỘI
13:47 - 14/11/2022
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội).
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội).
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại biểu Quốc hội, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, bất cập, cùng các quy định chồng chéo từ luật này sang luật khác chính là một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc trong giải quyết hồ sơ đất đai trong thời gian qua.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) góp ý về thủ tục hành chính đất đai với nhận định, thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Dẫn chia sẻ từ một Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu cho biết, khi giải quyết một hồ sơ đất đai, mỗi cán bộ thụ lý của sở phải rà soát các quy định của luật với trên 25 nghị định và thông tư hướng dẫn kèm theo. Vì vậy, để giải quyết đề nghị của doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó các thủ tục hành chính đất đai còn kết nối với nhiều thủ tục hành chính khác, đặc biệt là khi liên quan đến các vấn đề về đầu tư, tài sản. Như báo cáo của ban soạn thảo, hiện nay Luật Đất đai có sự chồng chéo với ít nhất 20 văn bản khác. Điều này dẫn đến còn nhiều vướng mắc trên thực tế, liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 cũng như dự thảo lần này có quy định giao UBND cấp tỉnh quy định về thủ tục giữa các cơ quan liên quan ở địa phương để giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Theo ông Hiếu, quy định như vậy dẫn đến thực hiện thiếu thống nhất giữa các địa phương.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu đơn giản hoá thủ tục hành chính về đất đai, đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo với các bộ luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật, đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính đất đai và các thủ tục hành chính khác. Quan trọng là phải giao Chính phủ đảm bảo việc áp dụng thống nhất trên cả nước.

Thủ tục hành chính đất đai thời gian qua còn gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Thủ tục hành chính đất đai thời gian qua còn gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu còn tham gia góp ý về 2 vấn đề khác. Một là cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư.

Theo đại biểu, có những trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng xung quanh, như dự án hạ tầng giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp... Tuy nhiên cũng có những dự án ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là các dự án tác động lớn đến môi trường như khai thác khoáng sản, xây dựng thuỷ điện, nghĩa trang, nhà máy xử lý rác... Tác động dễ thấy nhất là giá đất trong khu vực sụt giảm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống của người dân, vì vậy nhiều dự án đã bị phản ứng, ngăn chặn triển khai.

Ông Hiếu cũng chỉ ra thực tế việc đền bù hiện nay chủ yếu thực hiện bằng tiền mà chưa hướng đến đến sinh kế của người dân. Khi dự án đi vào hoạt động, đất đai sinh kế của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực, chẳng hạn đất bị úng, ngập, không thể tiếp tục canh tác... Điều này gây ra xáo trộn và bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân trong những dự án có tác động lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Chia sẻ lợi ích không chỉ là hỗ trợ, bồi thường trực tiếp cho các thiệt hại mà còn gồm nhiều hình thức khác như chia sẻ lâu dài nguồn thu các dự án, xây dựng các quỹ phát triển... và các công cụ nhằm cải thiện thu nhập và môi trường sống cho người dân như thực hiện các dự án y tế, giáo dục, các khoản đầu tư phụ trợ, chuyển đổi công ăn việc làm... Mô hình này đã thực hiện hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới.Đại biểu Hoàng Minh Hiếu

Vấn đề thứ hai là cách thức xem xét dự thảo luật, Đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận định đây là dự án rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước.

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng của dự án luật, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu, cần xác định những vấn đề, chính sách lớn để tập trung nghiên cứu theo chuyên đề. Ví dụ như vấn đề quy hoạch – sử dụng đất, chuyển dịch đất đai, tài chính đất đai...

Một luật phải sửa nhiều luật

Tham gia tranh luận thêm về vấn đề thủ tục hành chính mà đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu, đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên) cho biết, nhiều thủ tục quản lý Nhà nước về đất đai có quy định thẩm quyền giải quyết thuộc UBND tỉnh, tức thuộc thẩm quyền chung của luật tổ chức chính quyền địa phương. Trong khi đó, bộ thủ tục hành chính lại quy định thời gian cụ thể cho từng cấp, từng ngành, phần lớn giải quyết trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận hồ sơ sơ.

Trên thực tế, nếu lãnh đạo UBND tỉnh ký giải quyết các thủ tục hành chính thì có thể đảm bảo quy định về thời gian theo bộ thủ tục hành chính nhưng lại không đảm bảo quy định theo thẩm quyền (lấy ý kiến của các thành viên). Do vậy, đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi luật lần này cần phân định rõ thẩm quyền, những nội dung vấn đề lớn thì giao cho UBND tỉnh, còn các vấn đề khác có thể giao chủ tịch tỉnh giải quyết.

Đại biểu Lê Đào An Xuân. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Lê Đào An Xuân. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cũng đề cập đến vấn đề luật chồng luật có thể gây khó khăn cho triển khai thực tế.

Trước hết, về quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất thì theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia phải là ngọn hải đăng để dẫn dắt cho quy hoạch trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai cũng phải tuân thủ Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa thông qua được quy hoạch tổng thể này.

Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thông qua được quy hoạch tổng thể, nhằm dẫn dắt cho quy hoạch sử dụng đất và chỉ trên cơ sở đó mới đảm bảo được một sự minh bạch, ổn định cho phát triển thị trường đất đai và huy động nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều luật có liên quan. Ông đề nghị ban soạn thảo rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để đưa ra “một luật sửa nhiều luật”. Có như vậy mới tránh được vướng mắc trong quá khứ, đó là Luật Đất đai có thể tốt nhưng mà các luật khác sẽ cản trở việc thực hiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp