Đại biểu tranh luận: Doanh nghiệp có vốn trên 51% Nhà nước có phải thực hiện đấu thầu?

QUỐC HỘI Việt nAM
12:55 - 24/05/2023
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Việc doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư có là đối tượng thuộc phạm vi thực hiện đấu thầu hay không là nội dung tạo sức nóng trong phiên thảo luận tại Nghị trường Quốc hội. 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, còn hai luồng ý kiến khác nhau:

Phương án 1, nhất trí việc bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của DNNN quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013.

Phương án 2, đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối.

Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH Long An đồng tình với phương án 2, nghĩa là mở rộng phạm vi điều chỉnh tới các công ty con của DNNN.

"Phương án này vừa đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, vừa tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của Luật Đấu thầu, nhằm bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước", đại biểu Lê Thị Song An nói.

Mặc dù vậy, việc lựa chọn phương án này sẽ đưa rất nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, nhưng kết quả sẽ giúp cho quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch hơn góp phần nâng cao hiệu quả hiệu lực hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu và quản lý sử dụng vốn tài sản Nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Trong khi đó, cũng cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh quan điểm, không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN.

"Nếu áp dụng theo phương án 2, nghĩa là mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của DNNN, đồng nghĩa là chúng ta mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu. Đây là một phạm vi rất rộng", đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng lo ngại, việc áp dụng phương án 2 sẽ tác động đến tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN. Nếu như mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu và đánh đồng các chủ thể, áp dụng cứng nhắc một phương thức quản lý, đại biểu quan ngại về sự phù hợp với hệ thống pháp luật đã được thiết kế.

Mặt khác, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất để quản lý DNNN. Đại biểu dẫn chứng, về giám sát nội bộ có Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp với cơ chế quản lý thông qua người đại diện vốn Nhà nước trong doanh nghiệp và các cơ chế giám sát.

Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, nếu áp dụng cứng nhắc Luật Đấu thầu cho cả các công ty con của DNNN thì có thể làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh kém linh hoạt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư mà lợi ích của Nhà nước trong doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tranh luận với ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu.

Đại biểu cho rằng, đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các doanh nghiệp trên không cho thực hiện những điều tốt đẹp như vậy.

"Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư phải thực hiện, dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 51% vẫn đang thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đề nghị không loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu", Đại biểu Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi DNNN đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi.

Vì vậy, đại biểu thống nhất như phương án 1 của dự thảo luật, chỉ quản lý DNNN, còn DNNN có 50% vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM

Đọc tiếp