Đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam tìm cách đáp ứng thị trường qua công nghệ

logistics Việt nAM
16:05 - 08/10/2022
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam. Nguồn: VALOMA.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam. Nguồn: VALOMA.
0:00 / 0:00
0:00
Để giải quyết vấn đề nan giải nhất của ngành logistics là nguồn nhân lực, nhiều trường đại học đang nỗ lực cải tiến chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ, nhưng hiện vẫn còn một khoảng cách so với nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực này.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13-15%. Với khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... đã giúp cho ngành logistics đạt được những kết quả tích cực, góp phần để Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, năng lực cạnh tranh tốt.

Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay của ngành logistics chính là cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ và hoàn thiện, hệ thống đường bộ có nhiều tuyến đường xuống cấp, quá tải và đường sắt chưa được đầu tư nâng cấp bởi chi phí đầu tư khá cao.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ngoài khó khăn về hạ tầng, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, cùng với đó là nguồn lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại Hội thảo Cập nhật xu hướng phát triển công nghệ số trong ngành logistics - Đào tạo và thực tiễn, ngày 8/10, do Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội) cho biết, dự báo đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực trình độ cao trong ngành logistics.

"Tuy nhiên, khi rà soát lại thì thấy khả năng đáp ứng nguồn nhân lực ngành logistics của chúng ta vẫn chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là các yêu cầu về kỹ năng mềm, luật pháp quốc tế, ngoại ngữ, thậm chí là các kiến thức chuyên ngành" Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình

Cùng bàn về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, tại bài trình bày của mình, TS Vũ Thị Ánh Tuyết (Học viện Ngân hàng) cũng chỉ ra sự chênh lệch giữa đánh giá của các cơ sở đào tạo và đánh giá của doanh nghiệp đối với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam hiện nay.

Kết quả cho thấy đánh giá của doanh nghiệp thấp hơn so với cơ sở đào tạo, nhất là về kỹ năng ngoại ngữ của nhân lực logistics hiện nay.

Về phía góc độ doanh nghiệp sử dụng lao động logistics, ông Nguyễn Tuấn Nam, Giám đốc Nghiệp vụ vận hành kiêm phát triển kinh doanh Công ty Fm Logistics cho biết, hầu hết tỷ lệ nhân viên mới tuyển có kiến thức chuyên môn khiêm tốn, đa phần chưa được đào tạo cơ bản sử dụng phần mềm quản lý kho vận hay logistics. Nhiều nhân sự ứng tuyển vào vị trí quản lý kho nhưng cũng không hình dung công việc đó là gì. Điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian đào tạo cho nhân viên về công nghệ và kỹ năng.

“Các phần mềm hầu hết sử dụng tiếng Anh nhưng đa phần tiếng Anh của các bạn rất yếu, ngay cả những từ ngữ rất cơ bản nhiều bạn vẫn phải dùng Google dịch. Chưa kể, những phần mềm văn phòng cơ bản như Microsoft Office phục vụ cho công việc nhiều bạn cũng không biết dùng. Doanh nghiệp có nhu cầu cao về nhân sự nên cũng mất khá nhiều thời gian cho việc tuyển dụng”, ông Nguyễn Tuấn Nam cho hay.

Cần chú trọng ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực logistics

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực logistics chất lượng cao dẫn đến tỉ lệ ứng dụng công nghệ trong những doanh nghiệp trong ngành cũng chưa cao.

Bà Phạm Thị Lan Hương, CEO Công ty Vinafco phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: VALOMA.

Bà Phạm Thị Lan Hương, CEO Công ty Vinafco phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: VALOMA.

Theo đó, bà Phạm Thị Lan Hương, CEO Công ty Vinafco dẫn lại thống kê của Vietnam Report cho thấy, 80% doanh nghiệp logistics mới số hóa giai đoạn đầu là số hóa thông tin, chỉ 20% bắt đầu số hóa quy trình và tiến tới số hóa toàn diện.

“Theo kinh nghiệm làm việc với hàng trăm đối tác, nhà thầu, chúng tôi thấy rằng số liệu thống kê của Vietnam Report là rất đúng. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện mới đang sử dụng tập trung phần mềm nghiệp vụ tập trung cho các hoạt động của mình là chính, còn ứng dụng các công nghệ cao hơn như trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn, tự động hóa là rất ít”, bà Hương nhấn mạnh.

Áp lực về nhân lực logistics tăng cao khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Trong 3 năm tới, dự báo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động; doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Điều này đặt trách nhiệm lên vai của các trường đại học, cao đẳng đang đào tạo trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của TS Vũ Thị Ánh Tuyết và Ths Nguyễn Thu Trâm (Học viện Ngân hàng), hiện chỉ có 34% các trường có đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng có ứng dụng công nghệ số trong đào tạo. Các trường đào tạo thiên về lý thuyết, chưa gắn liền với thực tiễn, trong khi đó, logistics yêu cầu đào tạo như đào tạo nghề, đòi hỏi sinh viên ra trường phải biết thực tiễn.

“Logistic là một nghề có trên thị trường, sau đó chúng ta mới đưa vào đào tạo nên mới xảy ra độ vênh giữa đào tạo và thực tế. Theo khảo sát của chúng tôi, chưa nhiều trường ứng dụng công nghệ trong đào tạo vì chi phí. Chưa kể đầu tư cho cơ sở vật chất, chi phí thay đổi chương trình đào tạo, dẫn đến chi phí ban đầu cao hơn so với dự toán tổng chi của trường dẫn” TS Vũ Thị Ánh Tuyết, Học viện Ngân hàng

Dẫn ví dụ điển hình, TS Nguyễn Thị Cúc Hồng, Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF) cho biết, so với các trường đại học có đào tạo logistics trên thế giới, thì tỷ lệ ứng dụng công nghệ số trong đào tạo tại UEF còn khá thấp, chỉ chiếm 6/132 tín chỉ, tương đương 5%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Đại học Bắc Florida (Mỹ) là 11%, tại Đại học Curtin (Singapore) là 21%, Đại học Logistics Kuhne (Đức) là 39%.

“Trọng tâm của chương trình thiếu ứng dụng công nghệ, số hóa quản trị, đặc biệt là tự động hóa vào logistics. Chúng tôi muốn đề nghị ban lãnh đạo nhà trường cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung các môn học hiện đại như E-logistics, code và dữ liệu quản trị, thiết kế nhà xưởng, nhà kho… Đưa giảng viên UEF sang các trường bạn để nghiên cứu, học tập để áp dụng cho sinh viên Việt Nam; đồng thời đầu tư mua giáo trình từ nước ngoài về áp dụng tại UEF”, TS Cúc Hồng nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, thời gian vừa qua, Tổng Cục cũng đã chỉ đạo tích cực các trường có giải pháp phát triển ngành logistics.

Theo ông Bình, hiện nay có khoảng 30 trường trung cấp, cao đẳng đào tạo với quy mô hàng năm khoảng 11.000 nhân lực. Sắp tới, Tổng Cục sẽ phải tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để gắn kết giữa doanh nghiệp - nhà trường - Nhà nước. Việc này đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, hướng tới đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng sẽ khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo khác mở mã ngành hoạt động, mở quy mô đào tạo logistics; hướng tới xây dựng Hội đồng kĩ năng ngành nghề, Hội đồng tư vấn ở các cấp độ khác nhau. "Đây là thể chế để làm sao đưa doanh nghiệp thành một chủ thể tích cực trong quá trình đào tạo và giáo dục nghề nghiệp”, ông Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.

Cũng trong sáng ngày 8/10, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đã tổ chức lễ khai mạc VALOMA Confest 2022 với chuỗi hoạt động xuyên suốt trong tháng 10/2022. Chuỗi sự kiện được kết hợp tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc nhằm giới thiệu và lan tỏa hình ảnh của Hiệp hội tới các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, sinh viên và công chúng quan tâm; trao đổi những vấn đề học thuật và thực tiễn cập nhật nhất trong lĩnh vực LSCM.

Đồng thời, xác lập thêm kênh thông tin tham vấn đến các cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành Logistics tại Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.